January 06, 2022 | 06:00 GMT+7

Hà Nội kiểm tra việc thi hành pháp luật về trật tự xây dựng tại một số quận, huyện

Thanh Xuân -

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 317 về kiểm tra thi hành pháp luật đối với việc xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự xây dựng tại một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố năm 2022...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo kế hoạch, trong quý 2 và quý 3/2022 danh sách các địa phương vào kế hoạch kiểm tra gồm: UBND các quận, huyện, thị xã bao gồm: Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và UBND các phường, xã, thị trấn thuộc các quận, thị xã nêu trên. Thời kỳ kiểm tra các vi phạm tính từ 1/1/2020 đến 31/12/2021.

Cụ thể, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra việc quản lý Nhà nước về công tác thi hành pháp luật đối với việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng (công tác chỉ đạo, điều hành); việc xây dựng và tiến độ, kết quả triển khai kế hoạch quản lý, tổ chức thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự xây dựng tại địa bàn đơn vị quản lý;

Việc bố trí nguồn lực và các điều kiện khác để đảm bảo cho việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính; việc thực hiện trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng…

Ngoài ra cũng kiểm tra việc áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng gồm: Tổng số vụ vi phạm bị phát hiện, tổng số vụ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính, số vụ chuyển cơ quan tố tụng để truy cứu trách nhiệm hình sự, số vụ việc cơ quan tố tụng chuyển để xử phạt vi phạm hành chính;

Việc thực hiện các quy định pháp luật về thẩm quyền, thủ tục lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; việc quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, chứng từ thu nộp tiền phạt cũng như lưu trữ hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính…

UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu công tác kiểm tra phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch toàn diện và hiệu quả. Hoạt động kiểm tra phải đánh giá được kết quả triển khai và chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các đơn vị được kiểm tra.

Lãnh đạo thành phố giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo quyết định kiểm tra, trong đó, Giám đốc Sở Tư pháp là Trưởng đoàn kiểm tra; thành viên gồm đại diện các Sở, ngành theo đề xuất của Sở Tư pháp.

Nghiêm túc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng (Ảnh minh họa).
Nghiêm túc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng (Ảnh minh họa).

Hiện nay, quản lý trật tự xây dựng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà thành phố Hà Nội đang tập trung giải quyết. Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Thành ủy Hà Nội mới đây ban hành Chỉ thị 03 về chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Theo đó, thành phố sẽ chú trọng giải quyết các vấn đề dân sinh, các vụ việc được HĐND thành phố, cử tri, cơ quan báo chí quan tâm; triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyên đề và chỉ đạo của UBND thành phố về quản lý trật tự xây dựng.

Cùng đó, Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phối hợp hướng dẫn, đôn đốc cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng; kịp thời tổng hợp báo cáo tình hình đồng thời đề xuất Thành ủy, UBND, HĐND thành phố các biện pháp hiệu quả để nâng cao quản lý. Đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật, văn bản pháp lý để điều chỉnh những bất cập.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, việc thanh tra là giải pháp để ngăn chặn, phòng ngừa. Còn vận động, tuyên truyền là giải pháp căn bản, lâu dài giúp người dân hiểu biết và làm theo quy định pháp luật. Thành phố luôn chú trọng kêu gọi các cấp chính quyền, cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng sự đồng lòng của người dân mới làm nên tổng lực trong phòng chống vi phạm về trật tự xây dựng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate