Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội trong năm 2023, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội đang kiến nghị Công an thành phố khởi tố hình sự đối với 7 vụ việc vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Theo Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về bảo hiểm xã hội là giải pháp quan trọng nhằm đôn đốc thu, giảm tối đa tình trạng đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Trong năm qua, ngành thực hiện 5.182 cuộc thanh tra, kiểm tra (4.189 cuộc theo kế hoạch; 993 cuộc đột xuất) về tình hình thực hiện các chính sách.
Qua kiểm tra, đã phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nhiều vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với đó, đã yêu cầu các đơn vị khắc phục số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội đạt 515,6 tỷ đồng; yêu cầu đóng và truy đóng gần 13,4 tỷ đồng do các đơn vị chưa đóng hoặc đóng thiếu thời gian, thiếu mức quy định của người lao động...
Bên cạnh đó, thông qua kết quả thanh tra, kiểm tra, ngành Bảo hiểm xã hội đã phát hiện 549 lượt người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn sai quy định, với số tiền phải thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội là 656,1 triệu đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ bảo hiểm y tế do các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chi sai quy định là 13,8 tỷ đồng.
Trường hợp các đơn vị có hành vi vi phạm nghiêm trọng, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, hoặc kiến nghị xử phạt với tổng số tiền hơn 8,9 tỷ đồng của 112 đơn vị.
Ngoài ra, căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra năm 2023, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội đang kiến nghị Công an thành phố khởi tố hình sự 7 vụ việc vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hiện nay, Công an thành phố đã tiếp nhận và đang trong quá trình điều tra, xác minh.
Bên cạnh công tác thanh tra, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cũng thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng chậm đóng khác, như phát triển người tham gia, hằng tuần có đánh giá kết quả thực hiện; căn cứ vào kết quả thực hiện để bình xét thi đua hằng tháng, quý, năm.
Hằng tháng, Bảo hiểm xã hội thành phố phân tích, phân loại đơn vị, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh, thời gian chậm đóng; xác định nguyên nhân, tính chất chậm đóng để có hình thức, biện pháp đôn đốc thu cụ thể, phù hợp.
Đối với những doanh nghiệp không giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên (không nộp hồ sơ, không chuyển tiền, không liên lạc với đơn vị được,…), cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân phường, xã và cơ quan Thuế để xác minh, từ đó có giải pháp đôn đốc, khắc phục...
Với nhiều giải pháp được triển khai, đến đầu năm 2024, lũy kế số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội phải tính lãi trên địa bàn thành phố còn hơn 1.500 tỷ đồng, bằng 2,3% so với số tiền cần thu. Tỷ lệ này thấp hơn so với thời điểm đầu năm trước (đầu năm 2023, tỷ lệ này là 2,5%).
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý hình sự về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những vướng mắc về cơ chế chính sách, cũng như thực tiễn thực hiện.
Hiện nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đang kiến nghị, đề xuất và phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến việc xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm, tạo sự đồng bộ giữa các quy định pháp luật hành chính, và pháp luật hình sự trong việc xử lý các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ đóng.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bổ sung một số nội dung, quy định rõ hành vi chậm đóng, trốn đóng, gia tăng hình phạt đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng.