Theo đó, trong đợt 1, lập danh sách chi trả cho các trường hợp đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và các trường hợp đã được ban hành Quyết định hưởng mới; tiếp nhận chuyển đến từ Bảo hiểm xã hội tỉnh khác, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân tính đến hết ngày 27 hằng tháng.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội hoàn thành việc lập và chuyển danh sách chi trả vào ngày 28 hằng tháng (nếu trùng vào ngày nghỉ thì thực hiện vào ngày làm việc cuối cùng trước ngày nghỉ).
Đợt 2, lập danh sách chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội bổ sung cho các trường hợp có Quyết định hưởng mới; tiếp nhận chuyển đến từ Bảo hiểm xã hội tỉnh khác, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an hân dân chuyển đến từ ngày 28 hằng tháng đến hết giờ hành chính ngày làm việc cuối cùng của tháng.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội hoàn thành việc lập và chuyển danh sách chi trả vào ngày làm việc cuối cùng của tháng (nếu trùng vào ngày nghỉ thì thực hiện vào ngày làm việc cuối cùng trước ngày nghỉ, chậm nhất là đầu giờ ngày làm việc đầu tiên của tháng sau).
Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp với cơ quan Bưu điện thực hiện quyết toán đầy đủ số đã chi trả, số chậm lĩnh chưa nhận để cập nhật dữ liệu vào danh sách chi trả tháng sau.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội yêu cầu Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp với cơ quan Bưu điện thông báo kế hoạch chi trả, lịch chi trả đến người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; yêu cầu cơ quan Bưu điện tổ chức chi trả tại nhà cho người hưởng già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật không có khả năng đến nhận.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chi trả cho người hưởng; vận động, khuyến khích người nhận chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản cá nhân để người hưởng được nhận chế độ nhanh chóng, thuận tiện nhất.
Hằng tháng, Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp cùng cơ quan Bưu điện làm việc với Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã để tạo điều kiện xác minh thông tin người hưởng và kịp thời báo giảm các trường hợp người hưởng đã chết.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Cơ quan Bảo hiểm xã hội đang thực hiện chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người hưởng qua các hình thức chi trả linh hoạt như: bằng tiền mặt, qua bưu điện, qua tài khoản cá nhân…
Trong năm 2022, đã có khoảng 61% số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị. Để đảm bảo các chế độ an sinh đến với người tham gia nhanh chóng, đầy đủ và thuận tiện nhất, cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp khuyến khích người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản cá nhân.
Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đang dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Trong đó, Bộ đề xuất tăng mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 12,5% - 20,8% tùy từng nhóm đối tượng, áp dụng từ ngày 1/7/2023.
Bên cạnh đó, còn đề xuất điều chỉnh đối với người hưởng từ trước năm 1995 có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng dưới 3.000.000 đồng/người/tháng.
Với việc điều chỉnh này, mức bình quân lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sẽ được tăng lên.