May 23, 2024 | 18:28 GMT+7

Hà Nội: Nhu cầu về nhà ở của người lao động đang vượt xa khả năng cung ứng

Phúc Minh -

Đối thoại với công nhân Thủ đô, lãnh đạo TP. Hà Nội thừa nhận việc triển khai nhà ở xã hội trên địa bàn còn chậm do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, hiện nhu cầu về mua, thuê nhà ở của công nhân lao động đang rất lớn, vượt xa khả năng cung ứng của thành phố...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thông tin trên tại cuộc đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2024, sáng 23/5. 

VẪN CÒN VƯỚNG MẮC TRONG THỦ TỤC ĐẦU TƯ XÂY NHÀ Ở XÃ HỘI

Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tiếp tục là một trong những vấn đề “nóng” được người lao động quan tâm tại hội nghị.

Đề cập đến nội dung này, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á (Gia Lâm, Hà Nội), cho biết sau dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Đặng Xá thì huyện Gia Lâm không còn dự án nhà ở xã hội nào được xây dựng.

Trong khi đó, hiện nay, trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp có đông công nhân lao động, vợ chồng trẻ phải đi thuê nhà trọ. Vì thế, ông đề nghị thành phố xem xét có thêm các dự án nhà ở xã hội và các chính sách hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội.

Tương tự, công nhân Phan Chí Thành, Công ty TNHH Canon Việt Nam (thuộc Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội) cũng đề nghị thành phố ban hành các cơ chế, chính sách giải quyết vướng mắc xoay quanh câu chuyện thủ tục đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động.

Cũng quan tâm đến vấn đề nhà ở, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường Trung học cơ sở Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) nêu thực tế hiện nay, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã có quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên nguồn vốn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của đoàn viên, người lao động.

Vì thế, người lao động kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội thành phố triển khai các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi đối với công nhân lao động trên địa bàn, để vay mua nhà, xây sửa nhà ở. Đồng thời, mong muốn thành phố tạo điều kiện và hướng dẫn để các đơn vị triển khai đến người lao động.

Về vấn đề nhà ở của công nhân lao động, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết thực tế trong quá trình triển khai thực hiện có một số khó khăn, vướng mắc như: Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu mất nhiều thời gian; quy định về thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa rõ ràng…

Vì thế, Ủy ban nhân dân thành phố đã kiến nghị và được Bộ Xây dựng tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đất đai, nhằm đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Đồng thời, thành phố tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua trong năm 2024.

Đối với việc xác định đúng đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, ông Phong cho biết công tác xét duyệt thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư dự án. Hiện chủ đầu tư đã cam kết thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Công nhân tham dự cuộc đối thoại.
Công nhân tham dự cuộc đối thoại.

Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND về quản lý bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn.

Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã - nơi có dự án thực hiện kiểm tra, nhằm loại trừ việc người được mua, thuê nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần, không đúng đối tượng, không đủ điều kiện được hưởng chính sách thuê, mua nhà ở xã hội.

Cùng với đó, thực hiện đăng tải công khai thông tin các dự án, danh sách các đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội.

“Đối với công nhân các Khu công nghiệp sẽ được vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời gian vay và trả tiền sẽ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội. Như vậy, có thể đảm bảo đúng đối tượng. Còn thời gian trả tiền vay, tiền lãi cũng sẽ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội”, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nói.

NHU CẦU NHÀ Ở VƯỢT XA KHẢ NĂNG CUNG ỨNG

Trước những băn khoăn của người lao động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, nhấn mạnh nhà ở là vấn đề quan trọng đối với mỗi người lao động nói chung, và công nhân lao động tại các Khu công nghiệp nói riêng, bởi “an cư mới lạc nghiệp”.

Theo ông Thanh, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân lao động. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, Hà Nội triển khai việc này còn chậm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong bối cảnh mọi thủ tục, quy trình đầu tư, thủ tục thuê mua nhà đều được các cơ quan, ban, ngành triển khai rất thận trọng.

“Việc triển khai nhà ở xã hội còn chậm. Đây là lỗi của thành phố, của sở, ban, ngành, trong đó cả quận, huyện, thị xã liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhu cầu của công nhân lao động về mua, thuê nhà ở xã hội còn cách xa so với cung ứng của thành phố”, ông Thanh thừa nhận.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đối thoại với công nhân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đối thoại với công nhân.

Vì vậy, Ủy ban nhân dân thành phố đã đề nghị Sở Xây dựng cùng với sở, ban, ngành khác phải xử lý công việc với tinh thần nhanh nhất, quyết liệt để có quỹ nhà cung ứng cho công nhân lao động.

Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu trong năm 2024 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ, phải khởi công được các khu nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch. Các sở, ban, ngành phải xác định đây là món nợ với người lao động, với công nhân trên địa bàn.

Lãnh đạo TP. Hà Nội khẳng định về vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân, thành phố sẽ có những điều chỉnh thực tế hơn quá trình tiếp cận, hồ sơ, thủ tục, quy trình thực hiện. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ để người đáng được hưởng sẽ được hưởng; quan tâm đến một loạt thiết chế khác, như thiết chế văn hóa để công nhân lao động ổn định cuộc sống.

“Ngoài chính sách của Trung ương, tới đây khi Luật Thủ đô được thông qua, chúng ta có thêm quyền nhất định để ban hành một số cơ chế đặc thù về hỗ trợ cho phúc lợi xã hội nói chung, trong đó có chính sách hỗ trợ để người lao động có thể thuê, mua nhà ở xã hội”, Chủ tịch Hà Nội thông tin.

Liên quan đến chính sách an sinh xã hội, lãnh đạo TP. Hà Nội cũng khẳng định thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của người lao động về tiền lương, tiền công để có những quyết sách trình Hội đồng nhân dân cho phù hợp với lộ trình phát triển Thủ đô trong thời gian hiện nay và thời gian tới…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate