Bên lề hội thảo "Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Hành động của chính quyền và người dân" tổ chức ngày 11/10, nhiều chuyên gia nhận định, chính phương tiện cá nhân cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, nên đề xuất cần sớm có giải pháp hạn chế loại hình này.
Hạn chế phương tiện cá nhân
Cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn Tp.Hà Nội là khí thải từ phương tiện cá nhân, đặc biệt là gần 5,7 triệu xe máy, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đặt vấn đề, trước mắt Hà Nội cần đưa ra giải pháp xử lý tình hình hiện tại như hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện công cộng.
Theo ông, thành phố nên phối hợp với các nhà sản xuất thiết lập hệ thống kiểm tra chất lượng khí thải xe máy, việc này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện và rất thành công.
"Nếu khí thải vượt quá ngưỡng cho phép thì chủ xe phải bỏ tiền ra sửa chữa, đạt yêu cầu mới được lưu hành", ông Tùng nhấn mạnh và đề xuất cũng có thể thiết lập các vùng phát thải thấp, các xe đi vào khu vực này phải đạt chuẩn mức thải theo quy định.
Liên quan đến việc đốt rơm rạ theo mùa vụ cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, vị chuyên gia này cũng đề xuất thêm, Hà Nội nên đưa việc không đốt rơm rạ là một trong những tiêu chí để được công nhận nông thôn mới.
Đồng tình khi cho rằng, phương tiện cá nhân, trong đó có trên 700.000 phương tiện ô tô, 5,7 triệu xe máy cũng là nguyên nhân phát thải ô nhiễm không khí, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội nhấn mạnh phải đánh giá cụ thể lượng phát thải của các loại phương tiện ra môi trường.
"Về việc này, thành phố cũng đã giao cho Sở Giao thông Vận tải có đề án kiểm kê, sẽ có số liệu chi tiết mỗi xe cá nhân phát thải như thế nào, định lượng ra sao. Tuy nhiên, với dân số Thủ đô theo thống kê hiện trên 8 triệu dân, gần 7 triệu phương tiện thì có thể nhìn thấy vấn đề nguồn phát thải sẽ rất lớn", ông Thái đánh giá.
Khu công nghiệp phải lắp đặt trạm quan trắc trước 31/12
Ngoài nguyên nhân trên, khí thải từ các khu công nghiệp cũng được cho là yếu tố gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí của Hà Nội.
Do đó, theo ông Thái, thành phố cũng sẽ yêu cầu các khu công nghiệp, nhà máy phải lắp đặt trạm quan trắc chất lượng không khí, hiện chi cục đã tiếp nhận 26 trạm quan trắc tự động tại các khu vực này.
Tới đây, các doanh nghiệp chưa có sẽ phải tiếp tục lắp đặt. "Chúng tôi cũng đã có thông báo và hướng dẫn cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp thực hiện nên không có chuyện doanh nghiệp không lắp", ông Thái khẳng định và cho biết điều này đã được quy định tại thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, những đơn vị có nước thải từ 1.000m3 trở lên hay khí thải thì đều yêu cầu phải lắp đặt trạm quan trắc. Trước khi thực hiện, đơn vị cũng đã có văn bản hướng dẫn và mời các doanh nghiệp lên làm việc, ký cam kết.
Hà Nội hiện có 44 khu công nghiệp đang hoạt động, thành phố đang yêu cầu 44 đơn vị này phải lắp đặt trạm quan trắc, chậm nhất đến 31/12/2019 phải thực hiện xong.
Cùng với đó, thành phố sẽ bổ sung thêm 33 trạm quan trắc môi trường vào năm 2020, trong đó 20 trạm cố định, 12 trạm cảm biến và 1 trạm lưu động.
Ngoài ra, đối với các công trình xây dựng mới hoặc phá dỡ, ông Thái cho biết thêm, tới đây phải được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo không gây phát thải ô nhiễm bụi. Cụ thể, thành phố sẽ giao cho thanh tra xây dựng ở tất cả các quận, huyện xuống kiểm tra đảm bảo việc che chắn, phun nước trong lúc phá dỡ, nhất là không thực hiện làm vào các giờ cao điểm.
Cũng theo ông Thái, hiện các thông tin về chỉ số mức độ an toàn không khí (AQI) của Hà Nội đang đăng tải tại trang moitruongthudo.vn. Đây là số liệu AQI 24 giờ theo đúng chuẩn quy định của Tổng cục Môi trường nên có độ trễ so với thời gian thực.
Tuy nhiên, vấn đề chất lượng không khí đang nhận được sự quan tâm lớn của người dân nên trong một hai ngày tới, cùng với AQI theo ngày, thông tin sẽ được bổ sung AQI theo giờ liên tục.