September 05, 2021 | 10:25 GMT+7

Hà Nội ra quyết định hỗ trợ cho gần 104.000 lao động tự do mất việc làm

Nhật Dương -

Tính đến cuối ngày 4/9, TP. Hà Nội đã có gần 104.000 lao động tự do nhận quyết định hỗ trợ số tiền hơn 155 tỷ đồng, trong đó hơn 80.000 người đã nhận với số tiền trên 120 tỷ đồng….

Người lao động được nhận hỗ trợ. Ảnh - Thu Hiền.
Người lao động được nhận hỗ trợ. Ảnh - Thu Hiền.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến cuối ngày 4/9, toàn TP. Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ cho hơn 2,46 triệu người dân, người lao động, hộ gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tổng kinh phí hỗ trợ là gần 864 tỷ đồng, riêng kinh phí từ ngân sách là gần 678 tỷ đồng, và nguồn vận động xã hội hóa là 186 tỷ đồng.

Trong đó, đối với gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, thành phố đã hỗ trợ hơn 1,6 triệu người lao động với kinh phí gần 393 tỷ đồng. Các chính sách có nhiều người thụ hưởng là giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng mức 0%, với tổng số gần 1,478 triệu lao động được hưởng, số tiền hỗ trợ giảm đóng là hơn 101 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã có gần 13.000 lao động thụ hưởng, với số tiền gần 51 tỷ đồng.

Riêng nhóm lao động tự do bị mất việc làm, đã có gần 104.000 người nhận quyết định hỗ trợ, với số tiền hơn 155,3 tỷ đồng...Đến cuối ngày 4/9, đã có 80.207 lao động tự do được nhận số tiền 120,31 tỷ đồng.

Với chính sách đặc thù của thành phố, các địa phương đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho 283.785 người, hộ kinh doanh với kinh phí phê duyệt là trên 285 tỷ đồng. Đến nay, đã tổ chức chi trả cho cho 282.502 đối tượng với kinh phí hơn 282 tỷ đồng.

Bên cạnh các hoạt động chăm lo hỗ trợ cho người dân, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP. Hà Nội cũng đẩy mạnh chi trả chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động qua hình thức gián tiếp, không để bị gián đoạn.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, để thực hiện Chỉ thị số 17 của Chủ tịch Ủy ban Nhân TP. Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, Trung tâm đã dừng tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày từ ngày 26/7 và chuyển sang hình thức cung cấp thông tin thị trường lao động, kết nối việc làm, nhất là hoạt động hỗ trợ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp bằng hình thức trực tuyến cho doanh nghiệp, người lao động. 

Theo ông Thành, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng bị giảm lương, tạm nghỉ, không có việc làm, rơi vào cảnh thất nghiệp, số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao.

Mặc dù vậy, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong tháng 8 số hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp mà trung tâm nhận được qua hình thức gián tiếp ít so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách tương đối nhiều. Nguyên do là thành phố đang tiếp tục thực hiện quy định giãn cách xã hội nên có thể người lao động chưa đi gửi hồ sơ hoặc hồ sơ đang được người lao động gửi qua đường bưu điện đến Trung tâm.

Theo lãnh đạo Trung tâm, trong thời điểm này các đường dây nóng của Trung tâm và các điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh luôn trong tình trạng quá tải. Vì vậy, người lao động nên tìm hiểu các thông tin trên website, thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi. Trong trường hợp có thắc mắc, người lao động có thể gọi điện đến đường dây nóng để được giải đáp.

Cùng với việc thực hiện chi trả chính sách bảo hiểm thất nghiệp không bị gián đoạn, thời gian này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục thu thập thông tin thị trường lao động qua hình thức online để dự báo kịp thời các kịch bản thị trường lao động phù hợp với bối cảnh diễn biến của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thành phố đã hỗ trợ cho 3.431 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động, gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với 3.431 suất quà là nhu yếu phẩm trị giá hơn 3,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố huy động nhiều nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho trên 500.000 lượt người, hộ gia đình khó khăn trên địa bàn với số tiền hơn 182 tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate