Cập nhật lúc 14h30 ngày 26/8, tại hầu hết các thương hiệu kinh doanh vàng lớn như SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, tập đoàn DOJI hay ngân hàng Eximbank và TPBank đều niêm yết mức giá mua vàng miếng SJC là 79 triệu đồng/lượng, bán ra 81 triệu đồng/lượng với biên độ chênh lệch 2 triệu đồng/lượng. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp giá vàng miếng SJC duy trì ở mức giá này.
Riêng ACB mua vào với giá 80,5 triệu đồng/lượng và Mi Hồng mua vào 80 triệu đồng/lượng. Trong khi 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV công bố giá bán vàng miếng SJC là 81 triệu đồng/lượng.
Cùng lúc, giá vàng nhẫn của các thương hiệu tăng bám sát mức giá 78,5 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, giá mua/bán vàng nhẫn SJC được công ty niêm yết lần lượt là 77,25 triệu đồng/lượng và 78,55 triệu đồng/lượng. So với chốt phiên cuối tuần trước, giá mua tăng 150 nghìn đồng/lượng, trong khi giá bán tăng 250 nghìn đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI tăng 100 nghìn đồng theo cả hai chiều mua/bán, hiện được niêm yết ở mức 72,35 triệu đồng/lượng và 78,55 triệu đồng/lượng.
Sản phẩm nhẫn tròn của Bảo Tín Minh Châu mua vào với giá 77,32 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 78,52 triệu đồng/lượng.
Tại Phú Quý, công ty niêm yết giá mua/bán vàng nhẫn tròn 4 số 9 lần lượt là 77,25 triệu đồng/lượng và 78,55 triệu đồng/lượng.
Công ty PNJ công bố giá mua/bán vàng nhẫn tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội lần lượt ở mức 77,3 triệu đồng/lượng, 78,5 triệu đồng/lượng.
Tình trạng mua bán vàng trao tay cũng như săn các suất mua vàng tại các ngân hàng thương mại bán vàng bình ổn đang diễn biến khá phức tạp. Nhiều đối tượng xấu xây dựng kịch bản nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài sản của những người giao dịch trên thị trường.
Theo đó, các đối tượng tìm đến những người có nhu cầu mua/bán vàng và đưa ra mức giá hấp dẫn tạo sức ép tâm lý đến nạn nhân. Khi tiến hành giao dịch, các đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển khoản trực tiếp cho mình thay vì chuyển cho người đang nắm giữ vàng sau đó chặn liên lạc khiến cả người mua lẫn người bán vàng bị thiệt hại. Các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên giao dịch vàng tại các điểm phi chính thức để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông báo sẽ kiểm tra việc niêm yết giá và nguồn gốc xuất xứ vàng của 116 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn Hà Nội. Trong đó có Bảo Minh, Bảo Tín, Huy Thành, Bảo Tín Minh Xuân, Trọng Tín, Đức Trung, Ngọc Lan.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông báo sẽ kiểm tra việc niêm yết giá và nguồn gốc xuất xứ vàng của 116 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn Hà Nội. Trong số các doanh nghiệp nằm trong diện kiểm tra lần này có một số thương hiệu như Bảo Minh, Bảo Tín, Huy Thành, Bảo Tín Minh Xuân, Trọng Tín, Đức Trung, Ngọc Lan...
Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đợt kiểm tra này nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh vàng giả, trang sức vi phạm sở hữu trí tuệ, kinh doanh vàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, vi phạm về giá. Quản lý thị trường sẽ lấy mẫu kiểm định chất lượng vàng, trang sức để phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Đồng thời cũng sẽ kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về thương mại điện tử, ứng dụng số trong kinh doanh vàng.
Trên thế giới, giá vàng giao ngay vào thời điểm 15h00 ở mức 2.523,9 USD/ounce, trong khi giá vàng kì hạn là 2.514 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương với 76 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế và phí…). Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế là 5 triệu đồng/lượng.
Theo chuyên gia, mặc dù giá vàng thế giới đã rời khỏi đỉnh cao lịch sử là trên 2.530 USD/ounce nhưng vẫn có triển vọng sẽ tiếp tục tăng nếu đồng USD và lãi suất giảm. Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị toàn cầu cũng có thể tạo cú sốc trên thị trường hàng hóa, các ngân hàng Trung ương tích cực mua vàng trong khi mỗi năm sản lượng khai thác vàng càng trở nên ít hơn.