Theo Kế hoạch số 84/KH-UBND phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội TP. Hà Nội, thành phố đặt ra nhiều giải pháp để sớm ổn định thị trường lao động.
Tại kế hoạch này, Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 7%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 – 80%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55,5%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 50%; 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Để thực hiện các mục tiêu trên, TP Hà Nội sẽ thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển hiện đại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đóng vai trò là đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn.
Cùng với đó, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động; tập trung đào tạo nghề, tạo việc làm để phát triển thị trường lao động ở nông thôn phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thành phố cũng sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông theo hướng đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Để phục hồi và ổn định thị trường lao động, TP. Hà Nội sẽ khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối, cung ứng lao động, đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án và đang nghiên cứu đầu tư vào Hà Nội.
Các biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ, mất cân đối cung – cầu cũng sẽ được triển khai song song; đồng thời phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động đang làm việc thích ứng với những biến động bất thường.
Để thúc đẩy tạo việc làm bền vững, thành phố sẽ tăng cường đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao. Song song đó là nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thị trường lao động có việc làm bền vững; tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ.
Thành phố cũng sẽ tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Ưu tiên bố trí vốn Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động.
Việc đầu tư trường chất lượng cao, trường nghề trọng điểm với 4 trường cao đẳng công lập trực thuộc để trở thành trường chất lượng cao cũng sẽ được triển khai; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ.
Bên cạnh việc đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung – cầu lao động, dự báo cung – cầu lao động và thông tin thị trường lao động, Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động.
Trọng tâm là đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội cung cấp cho người lao động; nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động. Trước mắt, tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở và hạ tầng xã hội khác cho người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết vấn đề về chỗ ở cho người lao động.