February 27, 2014 | 07:36 GMT+7

Hà Nội sẽ lấy ý kiến về “số phận” cầu Long Biên

Ngô Trang

Thành phố Hà Nội sẽ sớm tổ chức một hội thảo để lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về “số phận” cầu Long Biên

Phương án xây dựng một cầu đường sắt vượt sông Hồng tại vị trí cầu Long Biên đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011.<br>
Phương án xây dựng một cầu đường sắt vượt sông Hồng tại vị trí cầu Long Biên đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011.<br>
Người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội đã lên tiếng chiều 26/2, sau những tranh luận gần đây về việc Bộ Giao thông Vận tải và thành phố Hà Nội đang tính toán xây một cầu mới, thay thế cầu Long Biên hiện tại.

Theo ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội, trong quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, có phương án làm cầu đường sắt vượt sông Hồng tại khu vực cầu Long Biên.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 633 ngày 24/1/2014 vừa qua, thành phố Hà Nội cùng với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng đã giao cho cơ quan tư vấn nghiên cứu, đề xuất phương án hướng tuyến và vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng. Các phương án cụ thể do cơ quan tư vấn đề xuất vừa qua sẽ còn được bàn bạc và thảo luận.

“Ngay cả khi có kết quả thống nhất về phương án, thành phố Hà Nội luôn có quan điểm nhất quán về việc phải giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”, ông Thành khẳng định.

Thành phố sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan sớm tổ chức hội thảo với sự tham gia rộng rãi của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực để xem xét toàn diện, khách quan, khoa học, nhằm đề xuất phương án tối ưu đảm bảo gắn kết việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa cầu Long Biên với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển giao thông.

“Sau khi có kết quả lấy ý kiến và thống nhất giữa các bộ, ngành, thành phố Hà Nội sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, ông Thành cho hay.

Trước đó, sau khi thông tin Bộ Giao thông Vận tải và thành phố Hà Nội đang tính toán xây một cầu đường sắt mới ngay tại vị trí cầu Long Biên hiện tại, nhiều chuyên gia và dư luận Thủ đô đã bày tỏ sự không đồng tình, bởi cầu Long Biên, công trình được xây dựng từ những năm cuối của thế kỷ 19, được cho là một trong những biểu tượng và công trình lịch sử có giá trị còn sót lại của Hà Nội.

Tuy nhiên, mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc xây dựng một cầu đường sắt mới đi trùng với tim cầu Long Biên hiện tại mới chỉ là một trong nhiều phương án mà đơn vị tư vấn đưa ra để tham khảo, “hoàn toàn không có chuyện phá cầu Long Biên”.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết thêm, trước đây, sau khi Bộ đưa ra phương án xây cầu mới cách cầu Long Biên 30 m, nhưng phía Hà Nội yêu cầu Bộ nghiên cứu trong phạm vi 200 - 300 m xung quanh cầu Long Biên.

Tuy nhiên, khi Bộ đưa ra phương án xây cầu mới cách cầu cũ 186 m thì có nhiều hộ dân kiện vì giải phóng mặt bằng. Vào tháng 10/2013, Hà Nội lại đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt nghiên cứu thiết kế cầu mới đi trùng tim cầu cũ nên Bộ mới bổ sung thêm 3 phương án này.

"Bây giờ, sau khi đưa ra 3 phương án rồi họp với phía Hà Nội, chúng tôi vẫn kiến nghị dùng phương án trước đây là xây cầu mới cách cầu cũ 30m. Bộ vẫn nhất quán như vậy, 3 phương án đưa ra là nghiên cứu thêm. Bộ đã có văn bản gửi cho Hà Nội tuần trước, kiên định phương án xây cầu mới cách cầu Long Biên 30 m", Thứ trưởng Đông nói.

Trong khi đó, với tư cách là đơn vị trực tiếp đưa ra 3 phương án cải tạo cầu Long Biên, ông Trần Thiện Cảnh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Giao thông Vận tải (TRICC), cho biết việc nghiên cứu và đề xuất ba phương án xây dựng cầu đường sắt trùng lên cầu Long Biên là theo đề bài của thành phố Hà Nội. Còn quan điểm của đơn vị này là nên xây dựng một cây cầu mới hoàn toàn, không bắt cầu Long Biên hiện tại gánh thêm chức năng đường sắt đô thị.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate