UBND TP. Hà Nội cho biết, năm 2023, thành phố sẽ tập trung chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Ngoài ra cũng tập trung hoàn thiện thủ tục và phấn đấu khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 10-20 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018-2020; quyết định thành lập, mở rộng 5-10 cụm công nghiệp. Bảo đảm 100% cụm công nghiệp xây dựng mới có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; 100% cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Việc thực hiện Kế hoạch này, theo TP. Hà Nội là nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động của UBND TP, thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách của thành phố và Chương trình công tác của UBND TP. Hà Nội năm 2023. Đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn; tháo gỡ khó khăn vướng mắc; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cho phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.
Để làm tốt việc này, thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành liên quan. Trong đó, Sở Công Thương là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư cụm công nghiệp tổ chức triển khai thực hiện nội dung quản lý, phát triển cụm công nghiệp; đôn đốc sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện đúng quy định và yêu cầu chỉ đạo của thành phố.
Còn tại cơ sở, UBND quận, huyện, thị xã có cụm công nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi, xử lý việc sử dụng đất, xây dựng trái phép theo đúng quy định và quy hoạch đã được phê duyệt; đề xuất xử lý vi phạm (nếu có). Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư cụm công nghiệp tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm tiến độ khởi công và hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp theo kế hoạch và tiến độ đã ban hành.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ khởi công các cụm công nghiệp trên địa bàn đã được phê duyệt. Rà soát, xây dựng kế hoạch hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài hàng rào cụm công nghiệp thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện theo phân cấp hoặc đề xuất UBND TP đầu tư các hạng mục công trình cấp thành phố.
Trước đó, Thường trực Thành ủy-HĐND-UBND TP. Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.
Theo thông tin từ hội nghị, đến tháng 9/2022, thành phố đã và đang triển khai thực hiện 105 cụm công nghiệp, tổng diện tích 2.344ha, phân bổ tại 19 quận, huyện, thị xã. Trong đó, với các cụm công nghiệp được thành lập trước Nghị định 68/2017/NĐ-CP, trên địa bàn có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, 4 cụm công nghiệp đang đầu tư xây dựng, chưa đi vào hoạt động. Các cụm công nghiệp đang hoạt động đã thu hút 4.169 hộ sản xuất, doanh nghiệp, gần 80 nghìn lao động làm việc… Sơ bộ phương án triển cụm công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đề xuất sẽ có 191 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 7.149 ha.