Theo báo cáo, Hà Nội đã tiến hành rà soát đối với 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Trong đó, 680 dự án đã được thành phố lên phương án giải quyết vướng mắc; 32 dự án còn lại sẽ tiếp tục thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật, dự kiến hoàn thiện ngay trong tháng 12/2023.
Cụ thể, với 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất: có 12 dự án đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND TP; 64 dự án, chấm dứt hoạt động dự án, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch theo quy định; 3 dự án, tòa án nhân dân, cơ quan điều tra, thanh tra đang thụ lý, xử lý theo quy định; 42 dự án triển khai thực hiện theo quy định pháp luật đầu tư. Ngoài ra trong số này, vẫn còn 14 dự án sẽ phải xử lý tiếp trong thời gian tới, dự kiến hoàn thiện ngay tháng 12 này (hiện mới chỉ đang xem xét phương án).
Đối với 404 dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: 129 dự án với tổng diện tích 370,1 ha đất, sau thanh tra kiểm tra chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai; 50 dự án với tổng diện tích 2.879,3 ha đất, kiến nghị trình UBND TP thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án; 14 dự án với tổng diện tích 296,4 ha đất dừng thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện do trùng các đoàn thanh tra, kiểm tra khác, tiếp tục theo dõi, giám sát kết quả xử lý sau thanh tra, kiểm tra; 77 dự án, tổng diện tích 128 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng; 134 dự án với tổng diện tích 3.212 ha đất, Liên ngành Thành phố đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, được giao các Sở ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã giám sát, tiếp tục đôn đốc thực hiện với từng dự án.
Còn lại là 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý, gồm 66 dự án đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và 107 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong 66 dự án đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, có 11 dự án với tổng diện tích 48,3 ha đất đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, do đang trong tiến độ thực hiện dự án, hoặc dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư 2020 hoặc đã đầu tư xây dựng xong; 30 dự án với tổng diện tích 590,4 ha đất đề nghị chấm dứt dự án, dừng thực hiện dự án đầu tư; 7 dự án với tổng diện tích 17,8 ha đất tiếp tục thực hiện dự án đầu tư, do đã có quyết định thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, đã giải phóng mặt bằng xong hoặc đang thực hiện giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên trong số 66 dự án, có 18 dự án với tổng diện tích 305,8ha đất sẽ phải xử lý tiếp trong thời gian tới, dự kiến hoàn thiện ngay tháng 12 này (hiện mới chỉ đang đề xuất phương án).
Trong 107 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, có 6 dự án với tổng diện tích 13,2 ha đất, sau thanh tra kiểm tra chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai; 11 dự án với tổng diện tích 393,8 ha đất, kiến nghị trình UBND TP thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án; 36 dự án với tổng diện tích 95,1 ha đất gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng; 54 dự án với tổng diện tích 1823,3 ha đất, giao các Sở ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện giám sát, tiếp tục có các biện pháp khắc phục theo quy định của pháp luật đối với từng dự án tại từng kết luận.
Đánh giá kết quả công tác, UBND TP. Hà Nội cho biết, số lượng dự án lớn, trải qua nhiều giai đoạn chính sách, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi; quá trình triển khai dự án có những diễn biến mức độ khác nhau; các thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Trên cơ sở đó, Thành phố chỉ đạo các sở, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện công tác rà soát dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất; tổ chức phân loại thành các Nhóm dự án chậm triển khai; phân công các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và có kết luận đối với từng dự án để làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp.