Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội vừa công bố các quyết định thanh tra doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố. Đây là đợt công bố quyết định thanh tra liên ngành về bảo hiểm xã hội đầu tiên của TP. Hà Nội trong năm 2023.
Theo đó, 3 đoàn thanh tra liên ngành của thành phố do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ trì sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 20 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động từ ngày 1/1/2022 đến thời điểm thanh tra.
Cụ thể, đoàn 1 thực hiện thanh tra tại 7 đơn vị gồm: Công ty TNHH Cơ khí và Tự động hóa Công nghiệp; Công ty Cổ phần Thương mại và Kỹ thuật Việt Sing; Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Điện chiếu sáng Việt Nam; Công ty Cổ phần Thương mại Nam Thăng Long; Công ty Cổ phần Giải pháp Sinnovasoft; Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển ACOBA An Bình; Công ty TNHH House 3D.
Đoàn 2 sẽ thực hiện thanh tra tại 6 đơn vị gồm: Công ty TNHH Thương mại Thời trang Hải Đăng; Công ty Cổ phần Toàn Phong; Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường; Công ty TNHH Sản xuất Sunflower; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phát triển nhà Vạn Xuân; Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư An Thịnh.
Đoàn 3 thực hiện thanh tra tại 7 đơn vị gồm: Công ty Cổ phần Cơ khí Vận tải 1-5; Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp Toàn Cầu; Công ty Cổ phần Nội thất Vĩnh An; Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Quốc Bảo; Công ty Cổ phần Xây dựng và Tư vấn MT Hoàng Huy; Công ty cổ phần Đầu tư BKG Việt Nam; Công ty Cổ phần Xây dựng Số 1 Sông Hồng.
Thời gian thanh tra bắt đầu từ ngày 21/3 đến hết ngày 29/3/2023. Căn cứ vào kết quả thanh tra, tùy theo mức độ, Đoàn tranh tra liên ngành sẽ đưa ra biện pháp xử lý tại chỗ hoặc đề xuất phương án xử lý với cơ quan có thẩm quyền về các hành vi vi phạm của các đơn vị, doanh nghiệp.
Bà Võ Thị Ngọc Yến, Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, điểm mới của đợt thanh tra liên ngành về bảo hiểm xã hội lần này là các cơ quan chức năng sẽ yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp phải xử lý, khắc phục triệt để những vấn đề tồn tại ngay tại thời điểm chốt biên bản thanh tra. Đối với số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tế, các đơn vị, doanh nghiệp cần hoàn thành nghĩa vụ dứt điểm 100%, không có chuyện khắc phục dần từng phần, từng bước như trước đây.
Theo bà Yến, trách nhiệm của đơn vị, doanh nghiệp được thanh tra là báo cáo bằng văn bản theo đề cương thanh tra, cung cấp các hồ sơ tài liệu theo yêu cầu của đoàn thanh tra; chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu mà mình cung cấp. Các đơn vị này cũng có thể kiến nghị sửa đổi, bổ sung để tiếp tục hoàn thiện chính sách.
Theo số liệu thống kê từ cơ quan Bảo hiểm xã hội, trong 20 doanh nghiệp đơn vị được thanh tra có số nợ đọng kéo dài từ 25 đến 99 tháng, tổng số tiền nợ là trên 19,5 tỷ đồng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Bảo hiểm xã hội thành phố đã có nhiều văn bản đôn đốc nợ, làm việc trực tiếp nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục nợ, đồng thời, liên ngành thành phố đã nhận được nhiều phản ánh của người lao động vì bức xúc trước việc quyền lợi bị xâm phạm.
Cả 20 đơn vị trong cuộc thanh tra này đều có sai phạm về việc chậm đóng bảo hiểm xã hội, vì vậy, sau khi công bố Quyết định thanh tra, Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu các đơn vị khẩn trương, chủ động khắc phục nộp toàn bộ số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, cộng dồn đến thời điểm hết tháng 2/2023, các cơ quan chức năng thành phố vẫn ghi nhận 87.000 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội với tổng số tiền là hơn 5.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022. Trong đó, tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội phải tính lãi hiện nay là gần 1.800 tỷ đồng, bằng 2,92% so với tổng số tiền cần thu; chậm đóng kéo dài từ 12 tháng trở lên là hơn 1.700 tỷ đồng.