Quy mô nghiên cứu khoảng 20,4 ha; phía Bắc lấy theo ranh giới hành chính của quận Hai Bà Trưng, phạm vi hết thửa đất 1 - 2 lớp nhà và có khoảng cách 30 – 50 m từ chỉ giới đường đỏ phố Nguyễn Du; phía Tây và phía Đông lấy hết thửa đất 1 - 2 lớp nhà và phạm vi tối thiểu 50 m từ chỉ giới đường đỏ phố Trần Bình Trọng và phố Quang Trung; phía Nam lấy phạm vi tối thiểu 50 m từ chỉ giới đường đỏ phía Nam phố Trần Nhân Tông và khu đất Rạp xiếc Trung ương .
Tuy nhiên, diện tích lập thiết kế đô thị là 11,7 ha với phía Bắc giáp chỉ giới đường đỏ phía Bắc đường Nguyễn Du; phía Tây giáp chỉ giới đường đỏ phía Tây phố Trần Bình Trọng; phía Đông giáp chỉ giới đỏ phía Đông phố Quang Trung; phía Nam giáp chỉ giới đường đỏ phía Nam phố Trần Nhân Tông.
Theo UBND TP. Hà Nội, mục tiêu của việc thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh hồ Thiền Quang nhằm đề xuất giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa giữa khu vực xây mới và khu vực cải tạo chỉnh trang, nghiên cứu vị trí điểm nhấn kiến trúc tạo bộ mặt đô thị. Đối với công trình tiếp giáp các tuyến đường xung quanh hồ Thiền Quang, đề xuất giải pháp chỉnh trang công trình về biển hiệu, biển quảng cáo, màu sắc công trình...
Tổ chức không gian cảnh quan không gian đi bộ, không gian văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông (đoạn từ phố Quang Trung đến phố Trần Bình Trọng kết nối với trụ phía Bắc công viên Thống Nhất); cải tạo cây xanh, đường dạo, các tiện ích đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu vực xung quanh hồ Thiền Quang.
Tổ chức không gian cảnh quan, bảo tồn khuôn viên cụm di tích đã được xếp hạng chùa Quan Hoa, chùa Thiền Quang, chùa Pháp Hoa, đồng thời phát huy giá trị kiến trúc, nghệ thuật và thắng cảnh của di tích, phát triển văn hóa, tâm linh trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.
Khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm và nổi của đồ án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực; khớp nối các dự án đầu tư xây dựng đã và đang triển khai, trên cơ sở tuân thủ quy hoạch được phê duyệt trong khu vực. Đề xuất quy định quản lý, hướng dẫn bảo tồn cải tạo chỉnh trang công trình, khu vực điểm nhấn trên tuyến đường làm cơ sở để chính quyền địa phương quản lý xây dựng theo quy định.
Để thực hiện, thành phố yêu cầu phải điều tra khảo sát hiện trạng, thu thập tài liệu, đánh giá và phân tích tổng hợp hiện trạng sử dụng đất, cảnh quan, hệ thống hạ tầng kỹ thuật… trong khu vực nghiên cứu; rà soát, khớp nối các quy hoạch, bản vẽ tổng mặt bằng và dự án đầu tư tại những lô đất có liên quan; phương án thiết kế đô thị đảm bảo đồng bộ với khu vực về quy hoạch, không gian kiến trúc, hạ tầng đô thị… chức năng sử dụng đất và chỉ tiêu của hệ thống hạ tầng kỹ thuật tuân thủ định hướng tại các đồ án quy hoạch được duyệt…
UBND TP. Hà Nội giao UBND quận Hai Bà Trưng là cơ quan tổ chức lập đồ án thiết kế đô thị. Thời gian lập đồ án thiết kế đô thị không quá 6 tháng kể từ ngày nhiệm vụ thiết kế đô thị được phê duyệt (không bao gồm thời gian xin ý kiến Hội đồng thẩm định Quy hoạch đô thị, Quy hoạch xây dựng TP. Hà Nội; các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư có liên quan).