July 27, 2021 | 22:57 GMT+7

Hà Nội "tuýt còi" Grab và 4 ứng dụng, yêu cầu dừng giao hàng trong thời gian giãn cách

Ánh Tuyết -

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa gửi văn bản hoả tốc đến 5 đơn vị, gồm Grab, Be, Gojek, My Go và FastGo, yêu cầu dừng ngay việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng xe máy…

Shipper vận chuyển phải có xác nhận của Sở Giao thông vận tải.
Shipper vận chuyển phải có xác nhận của Sở Giao thông vận tải.

Ngày 27/7, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội ký văn bản “hỏa tốc” gửi đến các đơn vị liên quan, gồm Công an thành phố, Sở Công thương, Sở Thông tin và Thông tin; các doanh nghiệp có shipper: Công ty TNHH Grab (ứng dụng Grab), Công ty cổ phần Be Group (ứng dụng Be), Công ty TNHH Gojek Việt Nam (ứng dụng Gojek), Công ty TNHH MTV Logistics Viettel (ứng dụng My Go) và Công ty cổ phần FastGo Việt Nam (ứng dụng FastGo).

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch được thực hiện nghiêm túc theo quy định, Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp có ứng dụng điều hành shipper ngừng ngay việc cung cấp ứng dụng cho các đối tác hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe mô tô, bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và kinh doanh giao hàng công nghệ.

Đồng thời, đề nghị Công an thành phố chỉ đạo lực lượng công an các quận huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị không thực hiện việc dừng hoạt động cung cấp ứng dụng gọi xe đối với hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe mô tô. Sau đó, tổng hợp danh sách các đơn vị vi phạm, tái vi phạm thông báo về Sở Giao thông vận tải để xử lý theo quy định hiện hành.

Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tạm dừng hoạt động shipper, do đây là hoạt động không kiểm soát được.

 

Hiện trên địa bàn Hà Nội, chỉ có 700 người sử dụng xe mô tô hai bánh vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm được cấp thẻ vận chuyển theo danh sách Sở Công Thương Hà Nội vừa công bố.

Các đơn vị được cấp phép vận chuyển hàng hoá bao gồm: Công ty cổ phần Thực phẩm Hương Sơn với 13 shipper chuyên giao nhận hàng hóa; Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại An Việt: 17 shipper; Công ty cổ phần Tiên Viên: 4 shipper.

Công ty TNHH Thương mại quốc tế và dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long: 49 shipper; Công ty TNHH 2-9 Hà Tây: 8 shipper; Công ty TNHH bán lẻ Fuji Mart Việt Nam: 39 shipper; Công ty TNHH bán lẻ BRG: 182 shipper.

Hệ thống siêu thị Mường Thanh tại Hà Nội: 75 shipper; Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Co.op Hà Nội: 21 shipper; Công ty cổ phần Quốc tế Homefarm: 174 shipper; Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao: 1 shipper; Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam: 19 shipper; Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam tại Hà Nội: 33 shipper; Công ty AEON Việt Nam: 34 shipper; Công ty cổ phần Kinh doanh và chế biến thực phẩm Hà Nội: 2 shipper.

Danh sách này đã được Sở Công Thương gửi Sở Giao thông vận tải đề nghị xem xét, cho phép các đơn vị, doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm được vận chuyển bằng xe máy cung ứng hàng hóa thiết yếu đến các điểm cung ứng, khu dân cư phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố.

Trước đó, Sở Công Thương cũng đã công bố danh sách 7.866 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quán tạp hóa... và 455 chợ bán hàng tiêu dùng thiết yếu phân bổ khắp địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate