UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 168/KH-UBND triển khai Nghị quyết 53/NQ-CP của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo kế hoạch, UBND TP. Hà Nội giao Thanh tra thành phố chủ trì làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước có thất thoát, lãng phí và các tồn tại, hạn chế khác nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 của Đoàn giám sát Quốc hội.
Đồng thời, thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 2 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí và các tồn tại, hạn chế khác tại Báo cáo 330/BC-ĐGS của Đoàn Giám sát Quốc hội khóa XV; hoàn thành trước 31/7/2023. Hai dự án đó là: Dự án xây dựng khu nhà ở đô thị Kim Hoa và Dự án xây dựng khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và.
Ngoài ra, Kế hoạch 168 cũng yêu cầu phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm và xử lý các sai phạm, tiêu cực, thất thoát đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan 6 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí, gồm: Dự án Nhà ở sinh viên cụm trường tại khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp; Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích; Bảo tàng Hà Nội; Dự án đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
UBND TP. Hà Nội giao Phó chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn chủ trì, các Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, Nguyễn Mạnh Quyền, Vũ Thu Hà chỉ đạo theo lĩnh vực phụ trách; Sở Kế hoạch-Đầu tư xây dựng kế hoạch, lộ trình; thời gian hoàn thành trước ngày 31/7.
Theo UBND TP, trong 6 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả hoặc lãng phí (nêu tại Phụ lục số 1 kèm theo Nghị quyết số 74/2022/QH15), thì Dự án nhà ở sinh viên cụm trường tại khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, được khởi công xây dựng từ năm 2009, nhưng qua thống kê, tỷ lệ lấp đầy Khu ký túc xá Pháp Vân – Tứ Hiệp thấp. Lý giải về vấn đề này, nhiều sinh viên cho biết vì vị trí ký túc xá cách quá xa các trường học nên ít người lựa chọn
Đến nay, tại Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025 (ban hành kèm theo Quyết định 5063/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 của UBND TP), Hà Nội đã dự kiến sử dụng khoảng 223,9 tỷ đồng để hoàn thành và điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê (theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP.Hà Nội), chuẩn bị đầu tư hạng mục nhà A4 thành nhà ở xã hội cho thuê tại dự án này.