Các kiến nghị tập trung vào giải pháp hạ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có cả lãi suất ngoại tệ; cho phép doanh nghiệp được giãn, hoãn nợ vay tương tự giai đoạn bùng phát dịch COVID-19; có quy định điều kiện cho vay riêng với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) theo hướng nới lỏng để tăng cơ hội tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, trên cơ sở điều kiện này thì xây dựng quỹ phòng ngừa rủi ro tăng lên.
NGÂN HÀNG LO VÌ KHÓ “CHẤN ĐOÁN” SỨC KHOẺ SMEs
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tiếp cận nguồn tài chính chính thống hiện nay còn thấp. Bà Thuỷ dẫn kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thì chỉ 25% doanh nghiệp SMEs được vay vốn qua ngân hàng và các nguồn chính thống khác, 75% còn lại vẫn phải đi huy động bạn bè, vay mượn phi chính thống.
Theo đại diện các ngân hàng, dù rất muốn nhưng nhiều khi ngân hàng lực bất tòng tâm trong giải ngân vì không đủ dữ kiện để đánh giá tình trạng tài chính của doanh nghiệp SMEs. Đây cũng là nút thắt lớn nhất khi cho vay SMEs.
Phần lớn các doanh nghiệp SMEs hiện nay không tuân thủ chuẩn mực kế toán, tình trạng vênh nhau giữa các sổ sách kế toán rất phổ biến…Ngân hàng khó tiếp cận thông tin về các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, tổ chức tín dụng chủ yếu khai thác thông tin thông qua việc tìm hiểu trực tiếp doanh nghiệp và qua Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), chưa khai thác được tối đa các thông tin từ các hiệp hội, ngành nghề, cơ quan thuế, cơ quan hải quan...
Bộ Kế hoạch và đầu tư đang triển khai nâng cấp cổng thông tin điện tử, dự kiến năm 2025 trên cổng này sẽ có dữ liệu về các doanh nghiệp, trong đó có xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Đây có thể là nguồn thông tin để các ngân hàng tham khảo trong quá trình thẩm định khoản vay cho doanh nghiệp SMEs.
Trong khi đó, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, đảm bảo thu hồi vốn và duy trì an toàn hệ thống, hạn chế tối đa nợ xấu là ưu tiên của ngân hàng.
“Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu minh bạch giữa tài chính của cá nhân, chủ sở hữu và doanh nghiệp, báo cáo tài chính thường chưa được kiểm toán, trình độ quản lý, tổ chức, điều hành, nguồn vốn, năng lực sản xuất, trình độ kỹ thuật còn hạn chế. Do đó, nhiều trường hợp khó đáp ứng điều kiện vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có đủ tài sản đảm bảo để đáp ứng nhu cầu tín dụng ngày tăng cao để phát triển kinh doanh.
"Mặc dù Chính phủ đã có cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) và bảo lãnh tín dụng tại các Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương; tuy nhiên, việc triển khai các cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn kém hiệu quả, gặp nhiều vướng mắc khó khăn và rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được”, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV tham dự hội nghị cho biết.
Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp thừa nhận có tình trạng như các ngân hàng nêu. Song, bà Thuỷ vẫn mong muốn các ngân hàng xem xét nới lỏng các điều kiện vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Nên chăng Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ cho phép hạ thấp các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Muốn giúp SMEs thì phải đồng hành từ Chính phủ xuống Ngân hàng Nhà nước rồi mới đến các ngân hàng thương mại. Làm sao giảm điều kiện cho vay xuống, và phải được Chính phủ cho phép”, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị.
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM TÍN DỤNG ĐẶC THÙ CHO SMEs
Sau khi lắng nghe ý kiến các bên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh trong thời gian tới, các ngân hàng thương mại cần tích cực hơn nữa trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng đặc thù cho SMEs như tài trợ chuỗi ung ứng, cho vay thấu chi doanh nghiệp, cho vay đầu tư tài sản cố định gián tiếp, cho vay mua, phân phối ô tô, các sản phẩm tín dụng ngành tiềm năng.
Để tháo gỡ khó khăn về tài sản đảm bảo, các ngân hàng có thể cân nhắc các giải pháp linh hoạt như cho phép thế chấp khoản phải thu, quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ hợp đồng thương mại, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay…để hỗ trợ doanh nghiệp. Các giải pháp phải đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật.
Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, vừa ổn định kinh tế vĩ mô vừa kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, ổn định lãi suất….. Trong năm nay tiếp tục duy trì chính sách lãi suất hợp lý, ổn định. Nếu điều kiện thuận lợi, từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có động thái tích cực về lãi suất, phù hợp các điều kiện đặt ra.
Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho SMEs tiếp cận vốn; khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động tín dụng, các chương trình tín dụng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với đối tượng ưu tiên, tín dụng chính sách trong đó có đối tượng thụ hưởng là SMEs; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong việc kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong cho vay các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách trên toàn quốc
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, nhằm phổ biến kiến thức, hiểu biết của công chúng về tiền tệ, hoạt động ngân hàng; đăng tải đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng do ngành ngân hàng triển khai để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về các chương trình và cách thức tiếp cận vốn vay;
Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp Bùi Thu Thuỷ cho biết Bộ Kế hoạch và đầu tư đang triển khai nâng cấp cổng thông tin điện tử, dự kiến năm 2025 trên cổng này sẽ có dữ liệu về các doanh nghiệp, trong đó có xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Đây có thể là nguồn thông tin để các ngân hàng tham khảo trong quá trình thẩm định khoản vay cho doanh nghiệp SMEs.