Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh ban hành Văn bản số 3702/SKHĐT- DNĐT hướng dẫn đăng ký nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ.
Theo đó, đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh được giao chủ trì thực hiện 3 nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh này năm 2023. Cụ thể, hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tối đa 50% chi phí tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp và chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số (Căn cứ theo Khoản 1, 2 Điều 11 Nghị định số 80/NĐ-CP, Điều 7 Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT).
Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và tối đa 70% tổng chi phí của một khoá quản trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp (Căn cứ theo Khoản 1, 3 Điều 14 Nghị định số 80/NĐ-CP, Điều 11, 12, 13 Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT).
Hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ chi phí tiếp cận mạng lưới tư vấn viên để được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ (tùy theo loại hình doanh nghiệp và giá trị hợp đồng tư vấn để xác định tỷ lệ tài trợ) (căn cứ Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 80/NĐ- CP; Điều 10 Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT).
Kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện theo Quyết định số 1724/QĐ-UBND ngày 20/7/2023 của UBND tỉnh Hà Tĩnh với kinh phí là 2.000 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương triển khai Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.
Từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh đã thành lập mới thành lập mới hơn 1.000 doanh nghiệp, đạt hơn 90% kế hoạch tổng vốn đăng ký gần 4.700 tỷ đồng; chấp thuận 14 dự án đầu tư trong nước tổng vốn 1.700 tỷ đồng và 2 dự án đầu tư nước ngoài tổng vốn 70 triệu USD.
Lũy kế đến nay toàn tỉnh có gần 12.800 doanh nghiệp, trong đó có trên 8.600 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký bình quân 7 tỷ đồng/doanh nghiệp; đóng góp gần 80% tổng thu ngân sách và tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; giải quyết việc làm cho gần 88.000 lao động.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh này có trên 1. hợp tác xã và hơn 2.800 tổ hợp tác, trên 60.000 hộ kinh doanh, đây là khu vực có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, tiến tới thành lập doanh nghiệp.
Nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn, vừa qua Hà Tĩnh cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt.
Tổ công tác đặc biệt này do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải làm Tổ trưởng. 4 Tổ phó gồm 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. 14 thành viên của Tổ công tác đặc biệt là lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh này.
Tổ công tác đặc biệt này có có nhiệm vụ kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án hỗ trợ, xử lý khó khăn, vướng mắc phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn; đối với các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, điều chỉnh bổ sung kịp thời.
Giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư, sản xuất kinh doanh và các quy định liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Kiểm tra, chỉ đạo giải quyết thủ tục hành chính, khó khăn, vướng mắc của các cơ quan liên quan đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư theo quy định. Hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang đầu tư, mở rộng đầu tư, tìm hiểu đầu tư và sản xuất kinh doanh tại Hà Tĩnh.
Chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ngành và địa phương để giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các thủ tục hành chính, công tác giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan cho các dự án trọng điểm.