March 21, 2024 | 07:00 GMT+7

Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật “cấm cửa” TikTok

Sơn Trần

Vừa qua, hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật yêu cầu chủ sở hữu TikTok, ByteDance, thoái vốn khỏi nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với lệnh cấm trên toàn lãnh thổ quốc gia…

Cuộc bỏ phiếu diễn ra với kết quả áp đảo, 352 thành viên Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ và chỉ có 65 phiếu không đồng tình. Dự luật được công khai bỏ phiếu nhanh chóng sau khi Uỷ ban nhất trí thông qua vào tuần trước, cho phép ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc 165 ngày để thoái vốn hoàn toàn khỏi TikTok. Nếu không, các cửa hàng ứng dụng bao gồm App Store và Google Play sẽ bị cấm lưu trữ TikTok hoặc cung cấp dịch vụ lưu trữ web một số ứng dụng mà ByteDance kiểm soát.

Ngay sau cuộc bỏ phiếu, Giám đốc Điều hành TikTok Shou Zi Chew, bày tỏ cuộc bỏ phiếu thật "đáng thất vọng" và công ty sẽ làm "tất cả những gì có thể" để bảo vệ nền tảng, bao gồm cả thực hiện "một số quyền hợp pháp".

Ông Chew khẳng định TikTok đã đầu tư rất nhiều để đảm bảo dữ liệu và nền tảng an toàn, không bị ảnh hưởng từ bên ngoài. "Dự luật giúp các công ty truyền thông xã hội khác có nhiều quyền lực hơn, những doanh nghiệp này sẽ lấy đi hàng tỷ USD từ túi của nhà sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ", vị Giám đốc khẳng định. "Hệ quả có thể dẫn đến hơn 300.000 vị trí công việc tại Hoa Kỳ gặp ảnh hưởng và sẽ ‘lấy đi’ ứng dụng TikTok trên điện thoại của bạn".

MỐI ĐE DỌA LỚN NHẤT

Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện cho thấy mối đe dọa lớn nhất đối với TikTok trong bối cảnh cuộc chiến địa chính trị đang diễn ra, cáo buộc nền tảng truyền thông xã hội có trụ sở tại Trung Quốc thu thập dữ liệu nhạy cảm của người dùng Hoa Kỳ và một số nội dung liên quan đến chính trị. TikTok nhiều lần tuyên bố sẽ không bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng Hoa Kỳ với Chính phủ Trung Quốc.

Bất chấp lập luận đó, TikTok đã phải đối mặt với lệnh cấm của cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2020 và lệnh cấm cấp tiểu bang được thông qua ở Montana vào năm 2023. Tuy nhiên, Tòa án tối cao các cấp quyết định chặn cả hai lệnh cấm và cựu Tổng thống Trump kể từ đó đã đảo ngược lập trường, hiện phản đối lệnh cấm TikTok.

Trước cuộc bỏ phiếu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin, cáo buộc Hoa Kỳ có hành vi "bá quyền" "khi không thể cạnh tranh công bằng". "Nhiều năm trở lại đây, mặc dù Hoa Kỳ chưa có bất cứ bằng chứng cụ thể nào về việc TikTok đe dọa đến an ninh quốc gia, nhưng họ chưa bao giờ ngừng theo đuổi lệnh cấm TikTok", ông phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ vừa qua.

"Động thái của Hoa Kỳ phá vỡ trật tự thương mại quốc tế thông thường và có thể sẽ phản tác dụng".

Reuters đưa tin, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài (CFIUS) trực thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đã yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi cổ phiếu TikTok hoặc đối mặt với khả năng bị cấm vĩnh viễn, tuy nhiên, chưa có hành động cụ thể nào được thực hiện.

HY VỌNG CỦA TIKTOK

Tại Thượng viện, dự luật không thể được thông qua nhanh chóng bởi một số thành viên đảng Dân chủ công khai phản đối quan điểm này. Nhóm nhà chức trách bày tỏ lo ngại về quyền tự do ngôn luận và đề xuất một số biện pháp nhằm giải quyết thách thức từ nền tảng mạng xã hội nước ngoài, nhưng không nêu cụ thể là TikTok. "Chúng ta cần hạn chế phương tiện truyền thông xã hội, và những hạn chế đó cần được áp dụng trên diện rộng", Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nhấn mạnh.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner, người đề xuất một dự luật riêng vào năm ngoái để giúp Nhà Trắng nâng cao quyền hạn với TikTok, cho biết ông "lo ngại về tính hợp hiến từ cách tiếp cận nêu tên công ty cụ thể", nhưng sẽ "xem xét lại kỹ dự luật này".

Còn Nhà Trắng luôn ủng hộ dự luật, thư ký báo chí Karine Jean-Pierre tuyên bố rằng Chính quyền muốn thấy "dự luật được thông qua và đặt trên bàn làm việc của Tổng thống".

Hầu hết tác giả của dự luật cho rằng luật không cấu thành lệnh cấm, mà còn mở ra cơ hội giúp ByteDance bán được TikTok và tránh bị cấm cửa tại Hoa Kỳ. Hạ nghị sĩ Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Trung Quốc của Đảng Cộng hòa và Hạ nghị sĩ Raja Krishnamoorthi, đảng viên Dân chủ hàng đầu của Ủy ban, mong muốn luật có thể giải quyết đa số lo ngại về an ninh quốc gia do Trung Quốc sở hữu ứng dụng.

TikTok, nền tảng 170 triệu người dùng tại Hoa Kỳ, lại lập luận ngược lại, cho rằng không rõ Trung Quốc có chấp thuận bất cứ thương vụ mua bán hay thoái vốn sau sáu tháng nữa hay không.

"Dự luật mới ghi rõ: cấm hoàn toàn TikTok tại Hoa Kỳ", công ty cho biết sau cuộc bỏ phiếu của Ủy ban. "Chính phủ đang cố gắng tước bỏ quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp của 170 triệu người Mỹ. Điều này gây thiệt hại cho hàng triệu doanh nghiệp, từ chối khán giả của các nghệ sĩ và phá hủy sinh kế của vô số nhà sáng tạo trên khắp đất nước".

Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật “cấm cửa” TikTok - Ảnh 1

Sau khi Ủy ban thông qua dự luật, hàng loạt cuộc điện thoại từ những người ủng hộ TikTok tràn ngập Quốc hội, sau khi ứng dụng kêu gọi người dùng phản đối luật. 

Mặc dù dự luật nhắm đến TikTok, nhưng một số nền tảng khác thuộc sở hữu của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng như WeChat từ Tencent, ứng dụng mà cựu Tổng thống Donald Trump tìm cách cấm từ năm 2020. Ông Gallagher cho biết sẽ không suy đoán về tác động khác mà dự luật mang lại, nhưng khẳng định rằng "trong tương lai, chúng ta có thể tranh luận về những công ty có nguy cơ sụp đổ" theo dự luật.

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG THẤP KỶ LỤC

Theo Business Insider, TikTok đã không tăng trưởng trong quý cuối cùng năm 2023. Thậm chí, tại Hoa Kỳ, nền tảng còn có dấu hiệu đi xuống. Kết quả gây sốc cho giới công nghệ bởi ứng dụng trải qua quá trình phát triển thần tốc kể từ khi gã khổng lồ Trung Quốc ByteDance ra mắt vào năm 2016.

Vậy tại sao một bộ phận người dùng sẵn sàng rời bỏ ứng dụng? Theo các nhà phân tích, nhiều khả năng một lượng người dùng nhất định không còn thời gian trong ngày để xem video TikTok. Nhận định đặc biệt đúng đối với nhóm người dùng trẻ đang bước vào thời kỳ bận rộn mới của cuộc sống, tuổi trưởng thành.

Giả sử, người dùng tải ứng dụng lần đầu vào năm 2016, 2017, khi đó họ khoảng 13 tuổi. Thì hiện tại, những người này ít nhất đã 20 tuổi, đều có công việc toàn thời gian hoặc đang học đại học. Ở độ tuổi này, cha mẹ không còn hỗ trợ công việc thường ngày nên thời gian dành cho nhu cầu giải trí cũng ít hơn.

Sau khi đánh bại hầu hết đối thủ từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2022, nỗ lực tăng trưởng người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) của TikTok sụp đổ. Trong quý IV/2023, nền tảng video ngắn tụt lại phía sau hàng loạt tên tuổi lớn như Snapchat, YouTube, Instagram và Facebook. 

Dữ liệu phân tích cho thấy thực trạng đáng lo ngại với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hơn bất cứ lệnh cấm nào đến từ Chính phủ Hoa Kỳ. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate