Để tìm hiểu đầy đủ hơn về những chiến lược mới mẻ trong kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, phóng viên VnEconomy đã có cuộc trò chuyện cùng ông Hoàng Quốc Khánh - Giám đốc vận hành Golden Gate về những điểm mới lạ này.
Thưa ông, tình hình kinh tế thế giới vẫn đang có dấu hiệu suy thoái và đang có những ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế Việt Nam. Chắc chắn Golden Gate, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực F&B cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Ông có thể chia sẻ về những thử thách mà Golden Gate phải đối diện không?
Đúng vậy, tình hình kinh tế thế giới vừa trải qua tác động của đại dịch Covid-19 thì nay lại bị tác động của cuộc khủng hoảng địa chính trị mới. Nền kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái, hầu hết các hộ gia đình đều cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Với Viêt Nam, bức tranh kinh tế quý 1/2023 cũng cho thấy nhiều điểm xám. Đó là lạm phát vẫn đang ở mức cao, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán đang gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động của doanh nghiệp.
Về ngành hàng bán lẻ và tiêu dùng cũng vậy, chúng ta có thể thấy kết quả quý 1/2023 của những doanh nghiệp đầu ngành này đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận suy giảm đáng kể. Ngành nhà hàng cũng không nằm ngoài tình hình chung đó.
Riêng đối với Golden Gate, kể từ tháng 12/2022 cho đến tháng 5/2023, đều có sự sụt giảm về doanh số do lượng khách đến nhà hàng thấp đi, bao gồm cả những dịp lễ hội. Đặc biệt, vì phần lớn các nhà hàng của Golden Gate là các nhà hàng lẩu và BBQ, phù hợp cho những dịp ăn mừng, tụ tập, doanh số của Công ty cũng dễ bị ảnh hưởng hơn bởi xu hướng cắt giảm chi tiêu không thiết yếu, so với các món ăn hàng ngày. Vì thế, thách thức lớn nhất, mà cũng không phải chỉ riêng của Golden Gate, chính là tâm lý e dè, thắt chặt chi tiêu của người dân.
Liệu thách thức có phải là nguyên nhân khiến Golden Gate công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 khá bất ngờ: “Doanh thu thuần giảm 1% và lợi nhuận giảm 75% so với năm 2022”. Ông có thể giải thích lý do vì sao Golden Gate đưa ra kế hoạch giảm này và những yếu tố chính đã ảnh hưởng đến quyết định này?
Sự e dè, thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chung cả ngành bán lẻ, tiêu dùng nói chung và ngành dịch vụ nhà hàng nói riêng. Đứng trước sự suy giảm này thì việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh sao cho phù hợp với thị trường là điều tất yếu.
Golden Gate đưa ra kế hoạch doanh thu giảm, lợi nhuận giảm so với năm 2022 chính là dựa vào tình hình thực tế của 5 tháng đầu năm 2023 và dự đoán xu hướng của thị trường cả năm 2023.
Doanh thu kế hoạch sụt giảm không nhiều đến từ việc Golden Gate vẫn dự kiến sẽ tiếp tục mở mới nhà hàng. Việc mở mới nhà hàng tại các địa điểm thuận lợi sẽ giúp thương hiệu và sản phẩm của Công ty dễ dàng tiếp cận hơn với thực khách trên toàn quốc.
Bên cạnh việc mở thêm nhà hàng của các thương hiệu đã quen thuộc, Công ty cũng liên tục ra mắt các thương hiệu mới như gần đây nhất là thương hiệu gà rán Chixmax với mức giá hấp dẫn và hướng tới các bạn trẻ.
Golden Gate cam kết đồng hành cùng khách hàng bằng cách ra các chương trình khuyến mãi, cùng với nhiều combo và lựa chọn buffet phù hợp với túi tiền của thực khách, mở rộng tệp khách hàng hướng tới. Đó cũng là cách giúp Golden Gate cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn cần phải thắt chặt chi tiêu này.
Ngoài ra, trong năm nay, Công ty sẽ tiếp tục tái đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở vật chất tại các nhà hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Theo đó, lợi nhuận kế hoạch của Công ty dự kiến sẽ suy giảm khoảng 75%. Kế hoạch này đồng nghĩa với việc Công ty sẵn sàng hi sinh một phần lợi nhuận để ưu tiên cho lợi ích và trải nghiệm của khách hàng.
Thưa ông, với kế hoạch đó có thể hiểu khách hàng cũng “thắng” mà Golden Gate lại “không thua”. Vậy xin ông cho biết, Golden Gate có những chiến lược cụ thể nào để đảm bảo sự ổn định và phát triển trong năm 2023?
Ngoài việc duy trì kế hoạch đầu tư mở mới và nâng cấp cơ sở vật chất các nhà hàng, giới thiệu các thương hiệu mới, đưa ra các chính sách trợ giá đồng hành với thực khách, thì năm 2023 chúng tôi còn để ra ba chiến lược khác như sau:
Một là, tăng cường chất lượng dịch vụ: Chúng tôi tiếp tục đặt chất lượng dịch vụ lên hàng đầu và tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Điều này bao gồm việc đào tạo nhân viên để cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện quy trình phục vụ khách hàng.
Hai là, tối ưu hiệu quả hoạt động: Trong lĩnh vực nhà hàng, có 2 nhóm chi phí lớn nhất là nguyên vật liệu và nhân công. Cùng với việc đầu tư vào số hóa để theo dõi và hiển thị 2 con số chi phí này hàng ngày, chúng tôi cũng liên tục áp dụng nhiều phương pháp để tối ưu 2 nhóm chi phí này. Cụ thể, Golden Gate đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông tới thực khách về việc giảm thiểu thức ăn thừa khi thưởng thức buffet, bởi không chỉ là vấn đề chi phí, việc giảm thiểu lãng phí thực phẩm cũng là trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Ba là, tăng cường chuyển đổi số: Chuyển đổi số luôn là một dự án mà Golden Gate chú trọng và đã gặt hái được nhiều thành công kể từ khi bắt đầu. Chuyển đổi số đang làm thay đổi cách tổ chức, cách làm việc, cách tiếp xúc với khách hàng của chúng tôi, khách hàng đang thực sự ấn tượng với trải nghiệm mới dựa trên các ứng dụng công nghệ số này. Trong thời gian tới, Golden Gate sẽ đẩy mạnh việc áp dụng các giải pháp công nghệ để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng cường khả năng cạnh tranh. Điều này bao gồm việc phát triển ứng dụng di động, tăng cường giao dịch trực tuyến và tận dụng dữ liệu để đưa ra các quyết định chiến lược.
Quả rất thú vị với những chia sẻ của ông vừa qua. Golden Gate là doanh nghiệp đã từng vượt qua đại dịch Covid-19 với kết quả kinh doanh của năm 2022 rất ấn tượng. Vậy từ đó, ông đã rút ra được bài học quan trọng nào để Golden Gate vững bước vượt qua thách thức năm 2023, thưa ông?
Câu hỏi này khiến tôi nhớ lại lời nhận xét của một nhà đầu tư nói về sự hồi phục của Golden Gate sau đại dịch Covid-19 tại hội thảo các nhà đầu tư ở Tp.HCM vào đầu năm 2023.
Ông ấy nói: “Golden Gate là một ví dụ tiêu biểu của câu nói “What doesn’t kill you makes you stronger”” (Những thứ không đánh gục bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn).
Năm 2021 quả là vô cùng khó khăn với Công ty khi các nhà hàng của Golden Gate phải đóng cửa khoảng 1/3 thời gian trong năm. Toàn bộ sức nặng của hơn 400 nhà hàng về chi phí, từ con người, tiền thuê nhà, khấu hao tài sản, rồi đến những sức ép như không có dòng tiền để mình duy trì nghĩa vụ hợp đồng tín dụng - những sức ép đó xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của mình… Thế mà, chúng tôi đã sống sót, vượt qua đại dịch và hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận kỷ lục. Vì vậy, với giai đoạn khó khăn trước mắt này chúng tôi cũng rút ra được hai bài học quan trọng để áp dụng làm cho Golden Gate trở nên mạnh mẽ hơn, đó là:
Thứ nhất, phải luôn luôn tập trung nâng cao mảng kinh doanh cốt lõi. Tức là đối với những thương hiệu đang được đón nhận và vận hành ổn định, Công ty sẽ luôn trích một phần lợi nhuận để tái đầu tư, nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng cách nâng cấp nhà hàng và đưa ra những sản phẩm phù hợp xu thế thị trường và sở thích của khác hàng.
Thứ hai, trong quá trình vận hành, thật sự phải rất linh hoạt. Trước đây, các doanh nghiệp thường đánh giá kết quả 2 quý/lần hoặc 1 năm/lần, nhưng ở Golden Gate, thông lệ này không phù hợp. Hiện tại, Golden Gate thường đánh giá các kế hoạch hay khoản chi hàng tháng, thậm chí là hàng tuần, để biết được “Ngày mai chúng ta phải cải thiện điều gì và thực hiện ra làm sao?”.
Trong ngành F&B, không có một bài học nào đảm bảo 100% thành công. Tuy nhiên với kinh nghiệm 18 năm hoạt động trong ngành, cùng với cam kết phục vụ khách hàng bằng sự tử tế và tận tâm, Golden Gate tin rằng có thể vượt qua những khó khăn trước mắt để luôn là sự lựa chọn ẩm thực số 1 của khách hàng Việt Nam.