Sáng 29/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, với 448/450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,53% tổng số đại biểu Quốc hội.
Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm 8 Chương, 55 Điều quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt động và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Theo quy định, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành hoặc Đội dân phòng khi có yêu cầu…
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm các quy định rõ ràng, thực chất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, không trùng lặp với nội dung đã được quy định trong các luật khác, không quy định chung chung, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, bám sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.
Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực thực thi; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy…
Có 2 điểm luật mới được thông qua cần đặc biệt lưu ý:
Thứ nhất là về xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, có ý kiến đề nghị làm rõ trường hợp cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật theo quy định và cũng không thể chuyển đổi công năng sử dụng thì xử lý như thế nào.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quy định cụ thể việc xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy mà không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào sử dụng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành tại khoản 6 Điều 55 của dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Nếu cơ sở không thể áp dụng được các giải pháp kỹ thuật theo quy định và cũng không chuyển đổi công năng sử dụng thì phải dừng hoạt động theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp vẫn cố tình hoạt động thì sẽ lại xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thứ hai là theo Điều 24 luật này quy định: “Chỉ được sử dụng thiết bị sạc điện cho xe động cơ điện bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nơi sạc điện cho xe động cơ điện trong nhà phải có giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy; khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà còn phải có giải pháp ngăn cháy và trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn”.
Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực từ 1/7/2025.
Theo Điều 55, hồ sơ sơ giải quyết các thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa giải quyết xong thì được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2013/QH13 và Luật số 30/2023/QH15.
Dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình, phương tiện giao thông đã được cơ quan Công an cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa được chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật số 40/2013/QH13 và Luật số 30/2023/QH15.