Đồng thời xây dựng thành phố Hải Dương hướng tới một đô thị văn minh, xanh, thân thiện với môi trường. Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại; Làm cơ sở pháp lý để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và các dự án đầu tư xây dựng.
Theo đó, Hải Dương sẽ là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo, dịch vụ của tỉnh Hải Dương và của vùng; Là đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống; Là trung tâm tăng trưởng kinh tế, đô thị có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương và vùng lân cận; Là một trong trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch, y tế, giáo dục và dịch vụ logistics của khu vực; Là đầu mối giao thông quan trọng trong vùng đồng bằng sông Hồng, đầu mối kết nối quan trọng giữa Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh; là cửa ngõ của Thủ đô hướng ra biển. Đồng thời là đầu mối trung chuyển trọng yếu về giao thông đường thủy trong vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Dự kiến đến năm 2030, quy mô dân số toàn thành phố khoảng 595.000 người; đất xây dựng khoảng 5.500 - 6.500 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 3.500 - 4.000 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 2.000 - 2.500 ha. Đến năm 2040, dân số khoảng 669.000 người; đất xây dựng khoảng 7000 - 8.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 4.200 - 4.700 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 2.700 - 3.200 ha.
Một số yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Dương là đề xuất: các điều chỉnh về cấu trúc đô thị, về phân khu chức năng, về phân bố các trung tâm đô thị; các giải pháp chiến lược để khắc phục các tồn tại bất cập trong quá trình phát triển của thành phố Hải Dương về hạ tầng kỹ thuật, về sử dụng đất đai, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội chất lượng cao, xử lý các vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giải pháp về thiết kế đô thị và quản lý đô thị theo quy hoạch (tạo điểm nhấn kiến trúc, văn hóa đặc trưng xứ Đông để tạo bản sắc riêng cho thành phố Hải Dương trên nguyên tắc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử và cảnh quan thiên thiên).
Cùng với đó, cần xây dựng các chương trình và các dự án chiến lược cần ưu tiên đầu tư. Các chương trình và dự án cần có tính khả thi cao, có tính linh hoạt, đáp ứng các nhu cầu trước mắt về phát triển cũng như có tính ổn định lâu dài là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố Hải Dương. Ngoài ra, định hướng quy hoạch phát triển hệ thống công trình hạ tầng kinh tế xã hội bao gồm: công nghiệp, dịch vụ, du lịch, trụ sở làm việc, nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao... theo hướng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Dương mới được mở rộng.
Bên cạnh đó là xác định hệ thống khung hạ tầng giao thông đồng bộ, phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông vận tải của thành phố Hải Dương với mạng lưới giao thông vận tải vùng và quốc gia (đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, quốc lộ 37, đường vành đai 5 vùng thủ đô,…).
Đề xuất các giải pháp quy hoạch mạng lưới giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa kết nối hợp lý trong thành phố với toàn vùng. Đề xuất và phân loại tuyến đường giao thông đô thị, quy mô và phân cấp các tuyến đường chính, hệ thống bến bãi đỗ xe cho từng khu vực. Nghiên cứu bổ sung một số cầu kết nối hai bên bờ sông Bắc Hưng Hải, sông Sặt và sông Thái Bình, đường trên cao, các nút giao thông khác cốt, hầm chui,... Đề xuất mạng lưới và các công trình hỗ trợ phát triển giao thông công cộng, ứng dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh.