Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, từ đầu năm đến ngày 11/9/2023, các khu công nghiệp trong tỉnh đã thu hút 293,1 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vượt 46,6% kế hoạch năm.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 187,1 triệu USD; Điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 21 lượt dự án FDI với số vốn tăng thêm 106 triệu USD. Một số khu công nghiệp thu hút được nhiều dự án như An Phát 1, Lương Điền - Cẩm Điền, Lai Cách... Các dự án này chủ yếu đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Hiện các khu công nghiệp trong tỉnh đã thu hút 265 dự án FDI thứ cấp đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,17 tỷ USD. Tỷ lệ lấp đầy trung bình các khu công nghiệp đạt khoảng 80% diện tích.
Cùng với kết quả ấn tượng từ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Hải Dương cũng đạt được những kết quả quan trọng trong mục tiêu thu hút nguồn đầu tư nội địa.
Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 17/9, các khu công nghiệp ở Hải Dương đã thu hút được gần 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng 26,3 lần so với kế hoạch năm. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án mới với tổng vốn đầu tư 852 tỷ đồng. Điều chỉnh cho 11 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm hơn 3.103 tỷ đồng.
Kết quả cao đó đến từ hoạt động của dự án khu công nghiệp Tân Trường mở rộng và khu công nghiệp Đại An mở rộng điều chỉnh tăng vốn đầu tư để bổ sung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng. Khu công nghiệp An Phát 1 đã đi vào hoạt động nên thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư trong nước.
Hiện, các khu công nghiệp trên địa bàn Hải Dương đã thu hút được 356 dự án đầu tư gồm cả vốn FDI và vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn khoảng 6,5 tỷ USD.
Ở tầm nhìn dài hạn, Hải Dương định hướng phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực mạnh gồm vùng công nghiệp động lực, vùng công nghiệp hỗ trợ, vùng công nghiệp nặng, chế biến nông, lâm, thủy sản và năng lượng sạch.
Cụ thể, không gian công nghiệp sẽ phát triển theo 3 vùng, bao gồm: Vùng công nghiệp động lực (lõi trung tâm) tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện, TP Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng, một phần huyện Ninh Giang; vùng công nghiệp hỗ trợ tại TP Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng và một phần huyện Ninh Giang; vùng công nghiệp nặng, chế biến nông, lâm, thủy sản và năng lượng sạch tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.
Trong đó, sẽ có 01 khu kinh tế chuyên biệt tại 2 huyện Bình Giang và Thanh Miện, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ; trung tâm logistics; khu phi thuế quan; trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng; đô thị - dịch vụ sinh thái hiện đại, cung cấp quỹ nhà ở cho công nhân.
Xác định rõ lợi thế là địa phương nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trong liên kết vùng, Hải Dương đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như cơ khí chế tạo; điện, điện tử; chế biến nông, lâm, thủy sản. Mở rộng, phát triển một số ngành công nghiệp tiềm năng như: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, hóa chất, hóa dược…
Cùng với đó, tỉnh Hải Dương vẫn tiếp tục duy trì và hỗ trợ tái cơ cấu một số ngành công nghiệp có giá trị sản xuất nhỏ khác như: dệt may, da giày, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp môi trường, xử lý rác thải, nước thải… để bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, tăng cường giám sát, rà soát dừng thu hút đầu tư và phát triển thêm các ngành công nghiệp giá trị thấp hoặc ảnh hưởng môi trường.
Trong định hướng giai đoạn 2021-2030, tỉnh Hải Dương sẽ có 33 khu công nghiệp với tổng quy mô là 5.661 ha, 61 cụm công nghiệp với tổng quy mô là 3.209 ha.