December 04, 2023 | 10:19 GMT+7

Hai nguyên nhân khiến nợ thuế của Nghệ An "đội" thêm 3.500 tỷ

Nguyễn Thuấn -

Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nợ thuế tại Nghệ An xuất phát từ việc thị trường bất động sản trầm lắng dẫn đến các đơn vị kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó, vay vốn ngân hàng gặp nhiều vướng mắc dẫn tới nợ tiền sử dụng đất, khoảng 2.800 tỷ đồng...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đại diện Cục Thuế Nghệ An trong phiên họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ngày 30/11 vừa qua, có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ thuế tăng trong năm 2023.

Nguyên nhân đầu tiên là do thị trường bất động sản trầm lắng dẫn đến các đơn vị kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó, vay vốn ngân hàng gặp nhiều vướng mắc dẫn tới nợ tiền sử dụng đất, khoảng 2.800 tỷ đồng.

Nguyên nhân thứ hai, nợ thuế bảo vệ môi trường, do hoạt động kinh doanh xăng, dầu của các đơn vị đầu mối trong cả nước gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có một doanh nghiệp đầu mối xăng, dầu nợ thuế tăng đến 520 tỷ đồng trong năm nay.

Tổng 2 khoản nợ trên hơn 3.300 tỷ đồng/3.500 tỷ đồng nợ thuế tăng từ đầu năm 2023 đến nay, còn lại 200 tỷ đồng nợ thuế rơi vào doanh nghiệp chờ thủ tục giải thể và phá sản.

Theo lãnh đạo Cục Thuế Nghệ An, do khó khăn chung của nền kinh tế nên ngành thuế phải áp dụng linh hoạt các biện pháp theo Luật Quản lý thuế để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất để có thể thu nợ thuế. Nếu doanh nghiệp có khó khăn thật sự, có phương án tái cơ cấu hiệu quả thì ngành sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền phương án xử lý khoanh khoản nợ thuế hoặc áp dụng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính để xóa nợ…

Các trường hợp bị áp dụng biện pháp công khai danh sách nợ hay biện pháp cấm xuất cảnh đối với cá nhân quản lý doanh nghiệp nợ thuế là giải pháp bắt buộc, vì trước đó đã áp dụng các biện pháp khác nhưng không hiệu quả.

Trước tình trạng nợ đọng thuế gia tăng, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế Nghệ An sẽ rà soát danh mục các trường hợp nợ thuế, tổ chức xác minh từng trường hợp để có giải pháp cụ thể. Nếu nợ thuế kéo dài thì sẽ tiến hành biện pháp theo Luật Quản lý thuế như phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, cấm phát hành hóa đơn, áp dụng cưỡng chế thuế. Trên cơ sở xác minh dữ liệu căn cước công dân sẽ rút giấy phép đăng ký kinh doanh đối với trường hợp thành lập doanh nghiệp khác để trốn thuế hoặc nếu thấy đủ dấu hiệu cấu thành tội trốn thuế thì chuyển cơ quan điều tra xem xét khởi tố, điều tra.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An, thu ngân sách nhà nước năm 2023 của tỉnh này ước đạt 17.771 tỷ đồng, đạt 112,07% dự toán của Hội đồng nhân dân tỉnh giao, đạt 79,02% so với năm 2022. Trong đó, thu nội địa ước đạt 16.600 tỷ đồng, so với năm 2022, nguồn thu nội địa năm 2023 giảm khoảng hơn 4.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân giảm được lý giải, do các yếu tố khách quan, như tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực như bia, thuỷ điện, xi măng... trên địa bàn gặp khó khăn, làm giảm đóng góp số thu khoảng 1.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, do thị trường bất động sản trầm lắng dẫn đến các khoản thu liên quan đến đất giảm mạnh, dự kiến giảm 3.500 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, tiền sử dụng đất dự kiến giảm khoảng 3.000 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản giảm 300 tỷ đồng; lệ phí nhà đất giảm 90 tỷ đồng. Thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu thuế, phí, lệ phí của Quốc hội, Chính phủ để kích thích nền kinh tế cũng làm giảm các khoản thu nội địa của tỉnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate