Ngày 16/7, nguồn tin từ UBND TP. Hải Phòng cho biết Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đang nộp hồ sơ, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.793,9ha gồm khu công nghiệp Nam Tràng Cát (200,3ha), khu công nghiệp Thuỷ Nguyên (319,6ha), khu công nghiệp Tràng Duệ III (687ha), khu công nghiệp Giang Biên II (350ha) và khu công nghiệp Vinh Quang – giai đoạn 1 (226,01ha).
HÀNH TRÌNH NHIỀU NĂM CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ, THÀNH LẬP KHU CÔNG NGHIỆP
Theo báo cáo từ UBND TP. Hải Phòng, từ năm 2008, bốn trong tổng số năm khu công nghiệp kể trên là khu công nghiệp Nam Tràng Cát, khu công nghiệp Thuỷ Nguyên, khu công nghiệp Giang Biên II và khu công nghiệp Vinh Quang đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép Hải Phòng bổ sung quy hoạch các dự án khu công nghiệp ưu tiên thành lập theo quyết định 1107/QĐ- TTg ngày 21/8/2006 của Thủ tướng chính phủ về thành lập các khu công nghiệp trong giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Còn riêng khu công nghiệp Tràng Duệ III được Hải Phòng mời gọi đầu tư từ năm 2016.
Chính phủ cho Hải Phòng được bổ sung thành lập các khu công nghiệp nhằm mục đích tạo kênh thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư FDI vào Hải Phòng để hình thành các trung tâm công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế Hải Phòng theo hướng hiện đại, hiệu quả theo hướng giảm tỷ trọng nông lâm thuỷ sản, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa kinh tế Hải Phòng nói riêng, nền kinh tế nói chung hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra việc quy hoạch, thành lập các khu công nghiệp trên cả nước đã ghi nhận cả 4 khu công nghiệp được bổ sung quy hoạch năm 2008 cùng 6 khu công nghiệp khác của Hải Phòng (các khu công nghiệp An Hưng, Tiên Thanh, An Hoà, Ngũ Phúc, Cầu Cựu và đóng tàu Vinh Quang) với tổng diện tích 3.406 trong tổng số 5.166 ha đất được quy hoạch khu công nghiệp vẫn chưa được đầu tư, thành lập khu công nghiệp.
Trước việc các khu công nghiệp chậm được thành lập theo quy hoạch đề ra, ngày 22/12/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 2628/TTg- KTN đồng ý chủ trương phát triển các khu công nghiệp này vào giai đoạn đến năm 2020. Tại văn bản này, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hải Phòng cũng như các tỉnh, thành phố khác phải thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, xử lý dứt điểm tình trạng các khu công nghiệp chậm được thực hiện.
Mặc dù có sự chỉ đạo từ Chính phủ nhưng cũng phải đến các năm 2019 và năm 2023, các khu công nghiệp Thuỷ Nguyên, Nam Tràng Cát, Vinh Quang, Tràng Duệ 3 mới được thông qua đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 làm tiền đề để nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các bước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
NHIỀU LẦN HỐI THÚC NHÀ ĐẦU TƯ TRIỂN KHAI DỰ ÁN
Theo cơ quan chức năng TP. Hải Phòng, việc các khu công nghiệp chậm thông qua đồ án quy hoạch có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chính là do các khu công nghiệp này này vướng thủ tục về việc lập quy hoạch định hướng 1/2000, quy hoạch sử dụng đất, mật độ xây dựng, quy hoạch không gian gắn với quy hoạch giao thông của khu vực thực hiện dự án.
Cụ thể, khu công nghiệp Giang Biên II (huyện Vĩnh Bảo) ban đầu được đề xuất thực hiện với quy mô rộng 400 ha. Tuy nhiên, sau khi nhận được các văn bản về đề xuất quy hoạch, đầu tư từ nhà đầu tư, ngày 9/2/2022 Bộ Xây dựng có văn bản số 362/BXD-QHKT.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng do một phần đất (khoảng 158 ha) dự án nằm ngoài khu vực đê sông Thái Bình, để có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, Hải Phòng lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn điều chỉnh tuyến đê tả sông Thái Bình đảm bảo phù hợp quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thì mới có thể thông qua được quy hoạch cho dự án.
Cũng theo xác định của Bộ Xây dựng, dự án KCN Giang Biên II được đưa vào thực hiện giai đoạn 2015-2020, theo quy định pháp luật, nhà đầu tư chỉ đề xuất thực hiện dự án là được giao làm chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, do dự án chậm triển khai, đến nay, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020, để được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng dự án thì bộ hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mới phù hợp quy định pháp luật về đầu tư.
Đối với khu công nghiệp Tràng Duệ III là khu công nghiệp được chuẩn bị đầu tư muộn hơn (so với các khu công nghiệp Giang Biên II, Nam Tràng Cát, Thuỷ Nguyên và Vinh Quang) nhưng cũng bị xác định bị chậm đầu tư trong nhiều năm. Cụ thể, tháng 9/2016, UBND TP. Hải Phòng có biên bản ghi nhớ, giao cho Công ty cổ phần khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng (thuộc Công ty cổ phần phát triển đô thị Kinh Bắc) làm nhà đầu tư dự án khu công nghiệp Tràng Duệ III.
Theo biên bản ghi nhớ này, Công ty cổ phần khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng nghiên cứu, lập dự án, thực hiện khởi công năm 2017 để xây dựng khu công đa ngành, công nghệ cao phù hợp với định dướng phát triển của thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, đến tháng 5/2023, khi kiểm tra tình hình thực hiện các dự án do Công ty cổ phần phát triển đô thị Kinh Bắc thực hiện trên địa bàn, dự án KCN Tràng Duệ III vẫn chưa được khởi công.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã yêu cầu nhà đầu tư trong năm 2023, đầu năm 2024 phải phối hợp cùng các cơ quan chức năng để hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư như hoàn thành việc phê duyệt chủ trương đầu tự án, hoàn thành giải phóng mặt bằng một phần diện tích dự án, hoàn thành thẩm định thiết kế cơ sở… để tổ chức khởi công dự án trong tháng 6/2024. Theo chỉ đạo này, nếu hết thời hạn, nhà đầu tư không có lý do khách quan, không đảm bảo tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án, Hải Phòng sẽ xem xét, lựa chọn nhà đầu tư khác nghiên cứu, thực hiện dự án.
Đến nay, Hải Phòng đã có 14 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích hơn 6.080 ha, trong đó có hơn 4.028 ha đất sản xuất công nghiệp, đã thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào. Trong số này, khu công nghiệp Tiên Thanh và Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu có tổng diện tích hơn 1.162 ha đất đang được nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác.
Bên cạnh việc thúc đẩy nhanh tiến độ để được phê duyệt chủ trương đầu tư 5 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.793,9 ha, Hải Phòng cũng xúc tiến việc quy hoạch, thành lập Khu kinh tế phía Nam với diện tích dự kiến đề xuất 20.000ha có hạ tầng sân bay, cảng biển, khu thương mại tư do, trung tâm công nghiệp, khu đô thị, trung tâm logistics để thu hút nhà đầu tư đến với Hải Phòng.
Các khu công nghiệp của Hải Phòng có tỷ suất đầu tư đạt khoảng 12 triệu USD/ha. Đây chính là là động lực để Hải Phòng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, công nghệ cao, để ngành công nghiệp tiếp tục đóng vai trò là một trong 3 trụ cột nền kinh tế Hải Phòng.