Ngày 12/9 tại Hải Phòng, đã diễn ra Hội thảo "30 năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng và định hướng thành lập Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng” do Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức.
Đây là sự kiện nhằm tổng kết, đánh giá lại những kết quả cũng như những tồn tại, trong 30 năm hình thành, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế tại thành phố Hải Phòng, đồng thời nêu ra sự cần thiết về việc Hải Phòng thành lập thêm 1 Khu kinh tế ven biển phía nam thành phố.
Sau 30 năm hoạt động (1993-2023), các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn Hải Phòng đã thu hút được 668 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên tới trên 36 tỷ USD, trong đó có 473 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 22,4 tỷ USD và 216 dự án đầu tư trong nước tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD.
Trong đó phải kể đến: Tổ hợp dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đầu tư trên 9 tỷ USD, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup đầu tư khoảng 7,6 tỷ USD, Tập đoàn Bridgestone đầu tư trên 1,2 tỷ USD… Theo tính toán, suẩt đầu tư trung bình trong các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng ước đạt 12 triệu USD/ha, con số này bằng 2,6 lần bình quân trung của cả nước.
Các dự án này đã có những đóng gớp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của Hải Phòng và khu vực. Từ đóng góp vào ngân sách Nhà nước, đóng gớp vào phát triển công nghiệp vào kim ngạch xuất nhập khẩu… đến nay tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động.
Tính riêng năm 2022 giá trị sản xuất công nghiệp từ các dự án trên đạt trên 672.000 tỷ đồng, chiếm 82% tỷ trọng của Hải Phòng, giá trị xuất nhập khẩu đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng. Trong giai đoạn 2008 - 2023 các dự án này đã đóng góp vào ngân sách trên 80.000 tỷ đồng và tạo ra việc làm cho gần 200.000 người lao động.
Ông Lê Trung Kiên – Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho biết, kết quả này có được là từ tầm nhìn và tư duy chiến lược của cả hệ thống chính trị của các thời kỳ, với mục tiêu xuyên suốt là “kiến tạo một môi trường đầu tư an ninh, an toàn để tạo dựng tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Thời điểm hiện tại, Hải Phòng có 14 khu công nghiệp có diện tích 6.100 ha và 1 khu kinh tế với tổng diện tích 22.540 ha, tuy nhiên dư địa phát triển của các khu này đang ngày càng thu hẹp (tỷ lệ lấp đầy khá cao). Bên cạnh đó, các dòng vốn của các nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển từ 1 số quốc gia để đến Việt Nam, đặc biệt, xu thế này càng rõ nét hơn sau khi sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ vừa ký kết Hợp tác chiến lược toàn diện.
Trước thực tế đó, Hải Phòng đã có chủ trương thành lập Khu kinh tế nam Hải Phòng, theo dự thảo, khu kinh tế này có diện tích khoảng 20.000 ha, nằm tại các quận, huyện Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vình Bảo và quận Đồ Sơn thuộc thành phố Hải Phòng.
Theo các chuyên gia, Hải Phòng có đầy đủ những điều kiện cần để khai mở thêm 1 Khu kinh tế, tuy nhiên để tạo sự khác biệt, sự vượt trội, Hải Phòng nên đề xuất rõ với Trung ương thành lập khu kinh tế này theo mô hình khu kinh tế tự do hoặc khu thương mại tự do.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Xuân Bá - Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương cho rằng, nếu thành lập được theo 2 mô hình trên, khu kinh tế này sẽ là sự đột phá mạnh mẽ, là địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ.
Phó Giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên nhận định, chủ trương của Hải Phòng thành lập Khu kinh tế nam Hải Phòng chính là sự khởi động cho 1 hướng đi mới, mở rộng thêm không gian phát triển.
Tuy nhiên để đề án có tính khả thi cao, thì trong đề án cần xây dựng những cấu trúc tương lai một cách cụ thể, trong đó cần xác định, khu kinh tế này phải có những tính năng, công năng vượt trội so với mô hình khu kinh tế hiện nay, mô hình mới không đơn thuần chỉ là việc thu hút đầu tư mà phải xây dựng thành nơi hội tụ của các “cuộc chơi” mang tầm quốc gia với các nền kinh tế toàn cầu.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý, tại Hội thảo, ông Đỗ Mạnh Hiến – Phó Bí thư thành ủy Hải Phòng cho biết, việc ra chủ trương thành lập thêm 1 Khu kinh tế ven biển là nằm trong lộ trình của Hải Phòng trong việc hiện thực hóa Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, đồng thời là sự cần thiết tạo bước “đột phá”, tạo nền tảng phát triển bền vững cho cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.