April 22, 2022 | 15:00 GMT+7

Hải Phòng nỗ lực ứng dụng chuyển đổi số vào mọi mặt kinh tế - xã hội

Trương Quốc Cường

Thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, ngày 21/4, Thành ủy Hải Phòng đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Triển khai thực hiện về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến 2025, tầm nhìn đến 2030.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng diễn ra ngày 21/4.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng diễn ra ngày 21/4.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 327 điểm cầu tới các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hải Phòng với hơn 11.000 đại biểu tham dự.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chuyển đổi số sẽ tác động toàn diện, sâu sắc đến hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Môi trường số sẽ giúp quá trình thiết kế, sáng tạo, thử nghiệm phát triển nhanh chóng với chi phí rất tiết kiệm. Phân tích dữ liệu trong thế giới số sẽ làm cho việc vận hành trong thế giới thực tối ưu nhất. Chuyển đổi số cũng tạo ra các xu hướng trong phát triển kinh tế như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử…”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường cho biết, thành phố luôn xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị, đây cũng là động lực quan trọng để Hải phòng hiện thực hóa mục tiêu dẫn đầu trong "top" thành phố số cả nước.  Phó Chủ tịch khẳng định: “Dữ liệu số là nguồn tài nguyên, phải được mở, được chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị để phục vụ người dân, doanh nghiệp…”.

Để xây dựng chính quyền số, trong năm 2022 Hải Phòng tập trung vận hành hiệu quả mô hình thử nghiệm Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ số tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị của người dân. Hướng đi này cần đến những doanh nghiệp có năng lực công nghệ để đồng hành.

Đối với kinh tế số, Hải Phòng xác định năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy thương mại điện tử, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ số vào các khu công nghiệp.

Đối với mục tiêu xã hội số, trước mắt Hải Phòng tập trung xây dựng hệ thống định danh điện tử, phát triển nền tảng thanh toán điện tử, ứng dụng công dân, phát triển nền tảng giáo dục trực tuyến, triển khai học bạ điện tử, sổ sức khỏe điện tử.

Tìm hiểu về những vướng mắc trong chuyển đổi số tại Hải Phòng, các đại biểu đã đưa ra phân tích, khi triển khai chuyển đổi số, Hải Phòng sẽ gặp thách thức trong vấn đề hạ tầng và nhân lực. Để giải quyết bài toán này, các doanh nghiệp cần tạo cơ chế thuận lợi trong việc hợp tác; đồng thời cam kết cung cấp dịch vụ tốt nhất và phối hợp với Hải Phòng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang đề nghị thành phố và các đơn vị liên quan nghiên cứu thành lập các tổ chuyển đổi số, mời chuyên gia về lĩnh vực này tham vấn cho địa phương và tìm hướng để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ chuyển đổi số.

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ký kết Biên bản ghi nhớ về phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025 với nhiều nội dung: Tư vấn, hỗ trợ xây dựng chính sách của thành phố; phát triển đô thị thông minh; phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số; phát triển xã hội số phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chuyển đổi số tại cấp huyện, cấp xã; triển khai bộ công cụ giám sát, quản lý trẻ em truy cập Internet...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate