Ngày 25/7, thông tin từ UBND TP. Hải Phòng cho biết tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 6 tháng đầu năm 2025 là 100.994 tỷ đồng, bằng 68,5% dự toán Trung ương giao, bằng 61,6% chỉ tiêu giao phấn đấu. Thành phố Hải Phòng phấn đấu tổng thu ngân sách cả năm 2025 đạt 165.012 tỷ đồng, bằng 111,92% dự toán Trung ương giao.
TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT ĐỨNG ĐẦU SỐ THU NỘI ĐỊA
Theo đó, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2025, tổng thu ngân sách trên địa bàn Hải Phòng (mới) đạt được 100.994 tỷ đồng, bằng 68,5% dự toán Trung ương giao (147.436 tỷ đồng), bằng 61,6% chỉ tiêu giao phấn đấu (164.012 tỷ đồng) và bằng 132,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 41.341 tỷ đồng, bằng 62,1% dự toán Trung ương (66.600 tỷ đồng), bằng 55,8% chỉ tiêu giao phấn đấu (74.040 tỷ đồng) và bằng 129,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo UBND TP. Hải Phòng, tổng chi ngân sách luỹ kế 6 tháng đầu năm của Hải Phòng là hơn 35.370 tỷ đồng; trong đó, chi thường xuyên là 19.337,4 tỷ đồng (từ nguồn cân đối ngân sách địa phương 19.041,5 tỷ đồng, từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương 295,9 tỷ đồng), chi đầu tư phát triển là 15.531,5 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2024, do tập trung giải ngân để triển khai các chương trình, dự án trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thu nội địa 6 tháng đầu năm là 58.383 tỷ đồng, bằng 78,2% dự toán Trung ương (74.680 tỷ đồng), bằng 70,3% chỉ tiêu giao phấn đấu (83.000 tỷ đồng) và bằng 137,7% so với cùng kỳ năm 2024. Đối với số thu nội địa, khoản thu tiền sử dụng đất đứng đầu với 23.969 tỷ đồng, bằng 91% dự toán Trung ương (26.353 tỷ đồng), 79,4% chỉ tiêu phấn đấu (30.174 tỷ đồng), bằng 163,6% so với cùng kỳ 2024.
Trong đó, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn Hải Phòng (trước sắp xếp) là 18.141 tỷ đồng chủ yếu thu được tiền sử dụng đất của một số dự án lớn. Cụ thể, dự án khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát của Công ty TNHH MTV phát triển đô thị Tràng Cát 6.854 tỷ đồng, dự án khu đô thị mới quận Dương Kinh và huyện Kiến Thuỵ của Công ty cổ phần Vinhomes 4.906 tỷ đồng, dự án khu dân cư Thuỷ Nguyên của Công ty cổ phần Union Success Việt Nam 1.000 tỷ đồng, dự án xây dựng khu nhà ở tại phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân cũ) của Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà Dương Kinh 942 tỷ đồng…
Thu tiền sử dụng đất địa bàn Hải Dương (trước sắp xếp) thực hiện được 5.828 tỷ đồng với loạt các dự án như dự án khu dân cư mới thôn Phủ (xã Thái Học, huyện Bình Giang cũ) của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản HUDLAND 512,6 tỷ đồng, hai dự án khu dân cư đô thị Tân Phú Hưng mở rộng và dự án khu dân cư Thanh Bình (thành phố Hải Dương cũ) của Công ty cổ phần đầu tư Newland 402,1 tỷ đồng, dự án khu dân cư mới xã Cao Thắng (huyện Thanh Miện cũ) của Công ty cổ phần đô thị Việt Hưng 387,7 tỷ đồng…
THU TỪ KHU VỰC NGOÀI QUỐC DOANH TĂNG MẠNH
Đứng sau tiền sử dụng đất là khoản thu từ khu vực ngoài quốc doanh với số thu luỹ kế 6 tháng đầu năm 2025 là 12.940 tỷ đồng, bằng 107,8% dự toán Trung ương, 81% chỉ tiêu phấn đấu và bằng 202,1% so với cùng kỳ. Trong đó, địa bàn Hải Phòng (trước sắp xếp) thực hiện được 8.890 tỷ đồng (tăng 5.770 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024 chủ yếu do một số doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng bất động sản nộp tăng), địa bàn Hải Dương (trước sắp xếp) thực hiện 3.050 tỷ đồng.
Chỉ riêng tại dự án Vũ Yên, các doanh nghiệp đã nộp 4.167 tỷ đồng gồm Tập đoàn Vingoup – CTCP nộp 2.175 tỷ đồng, Chi nhánh Hải Phòng – Công ty cổ phần Phú Thọ Land nộp 589,5 tỷ đồng, Công ty cổ phần phát triển NVY Việt Nam nộp 560 tỷ đồng, Chi nhánh Hải Phòng – Công ty cổ phần đầu tư và phát triển thương mại Long Hải nộp 433,5 tỷ đồng, Chi nhánh Hải Phòng – Công ty cổ phần thương mại và xây dựng đô thị xanh nộp 407,7 tỷ đồng.
Số thu nội địa từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luỹ kế 6 tháng đầu năm 2025 là 8.123 tỷ đồng (địa bàn Hải Phòng cũ 4.270 tỷ đồng, Hải Dương cũ là 3.853 tỷ đồng), thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương luỹ kế 6 tháng là 933 tỷ đồng, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương là 653 tỷ đồng.
Số thu nội địa từ thuế thu nhập cá nhân luỹ kế 6 tháng đầu năm là 4.342 tỷ đồng (địa bàn Hải Phòng trước sắp xếp 3.176 tỷ đồng, địa bàn Hải Dương trước sắp xếp 1.166 tỷ đồng), thuế bảo vệ môi trường là 1.334 tỷ đồng (địa bàn Hải Phòng 940 tỷ đồng, địa bàn Hải Dương 394 tỷ đồng), khoản thu từ phí, lệ phí 1.544 tỷ đồng (địa bàn Hải Phòng cũ 1.408 tỷ đồng, địa bàn Hải Dương cũ thực hiện 136 tỷ đồng), lệ phí trước bạ 1.158 tỷ đồng (địa bàn Hải Phòng 704 tỷ đồng, địa bàn Hải Dương 454 tỷ đồng).
UBND TP. Hải Phòng đánh giá mặc dù một số khu vực tăng cao nhưng công tác thu ngân sách của thành phố gặp không ít khó khăn, trong đó có không ít nguồn thu nội địa giảm. Các chính sách thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô điện làm giảm thu ngân sách thành phố khoảng 3.300 tỷ đồng.
Đặc biệt, Hải Phòng dự kiến bị hụt thu 25.000 tỷ đồng từ thuế tiêu thụ đặc biệt của Vinfast bởi kế hoạch Đại hội Đảng bộ thành phố xây dựng từ năm 2020 xác định khi doanh nghiệp này đi vào hoạt động sẽ chiếm thị phần lớn tiêu thụ ô tô trong nước, ước tính năm 2025 sẽ nộp 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, ước tính chỉ được khoảng 1.000 tỷ đồng/năm do doanh nghiệp thay đổi chiến lược sản xuất ô tô điện nên thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp giảm rất lớn.
PHẤN ĐẤU THU NGÂN SÁCH ĐẠT HƠN 165.000 TỶ ĐỒNG
Theo UBND TP. Hải Phòng, năm 2025, thành phố này phấn đấu tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 165.012 tỷ đồng, bằng 111,92% dự toán Trung ương giao, bao gồm thu nội địa phấn đấu đạt 83.000 tỷ đồng (thu tiền sử dụng đất 30.174 tỷ đồng), bằng 111,14% dự toán trung ương giao, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 75.040 tỷ đồng, bằng 112,67% dự toán Trung ương giao.
Để thực hiện được mục tiêu này, UBND TP. Hải Phòng xác định tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực thu từ đất đai, khoáng sản, từ các dự án hết thời gian ưu đãi, từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Đồng thời, đẩy mạnh việc xử lý, thu hồi để giảm nợ đọng thuế, không để xảy ra tình trạng nợ mới phát sinh, tập trung đốn đốc thu nợ của các doanh nghiệp xây dựng cơ bản các công trình có vốn ngân sách, các doanh nghiệp nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, chậm thanh toán nợ thuế.
Bên cạnh đó là tập trung rà soát, yêu cầu các công ty, tập đoàn không có trụ sở tại Hải Phòng khi thực hiện các dự án tại Hải Phòng (đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm) thành lập doanh nghiệp mới hoặc chi nhánh độc lập để kê khai, nộp thuế tại Hải Phòng nhằm tăng thu ngân sách.
Thành phố cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể, thủ tục đấu giá đất đối với các dự án, khẩn trương thực hiện công tác đấu giá đất theo kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thành phố giao. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ các dự án đấu giá đất, dự án kinh doanh nhà còn nợ tiền sử dụng đất để đôn đốc thu nộp, tiếp tục thực hiện ghi thu, ghi chi kinh phí ứng trước để chi bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án.