Với đà hồi phục khá tốt của các doanh nghiệp sau đại dịch, cũng như sự dịch chuyển đầu tư cơ cấu lại chuỗi cung ứng…, Hải Phòng đang phải đối diện với bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhu cầu về nhân lực công nghệ cao tại các khu kinh tế, khu công nghiệp hiện đại trên địa bàn Hải Phòng đang ngày càng lớn.
NGUY CƠ THIẾU NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO ĐANG HIỆN HỮU
Theo ông Liu Hui Min, Tổng giám đốc Công ty Universal Scientific Industrial Việt Nam (USI) – chuyên sản xuất và thiết kế thiết bị điện tử đặt tại khu công nghiệp Deep C, Hải Phòng có nguồn lao động dồi dào, đa dạng, số lượng sinh viên cao đẳng, đại học tốt nghiệp tại địa phương hàng năm cung cấp một số lượng lớn nhân tài cho thị trường lao động trong những lĩnh vực công nghiệp thông dụng.
Tuy nhiên, ông Liu Hui Min nhấn mạnh: “Trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao, thì hiện tại chất lượng đó chỉ mới ở giai đoạn đầu của việc đào tạo lao động. Với sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ cao trong tương lai, sự thiếu hụt về số lượng, chất lượng lao động có chuyên môn sẽ là một thách thức lớn đối Hải Phòng”.
Làm việc mới đây của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác của thành phố, Tổng giám đốc USI Việt Nam cũng đã chia sẻ sự khó khăn, khi cần tuyển dụng kỹ thuật viên thao tác những thiết bị có tính chính xác cao, máy móc tự động hóa.
Cụ thể, chỉ riêng trong năm 2022, dự kiến công ty sẽ thiếu tới 500 kỹ thuật viên. Do đó, ông Liu Hui Min đề nghị thành phố quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề cho người lao động.
Ông Park Jae Hong, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH LG Display Việt Nam (khu công nghiệp Tràng Duệ) - dự án có vốn đầu tư lớn nhất Hải Phòng, cho biết công ty có hơn 35.000 lao động. Hiện, LG Display không quá gặp khó khăn về nhân lực. Tuy nhiên, ông Park Jae Hong nhận định: “Thời gian tới, khi (công ty LG - PV) tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất… thì việc tuyển dụng thêm được nhiều lao động thật sự là một bài toán cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Tập đoàn LG là doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất liên quan đến công nghệ cao, nên chúng tôi rất cần những nhân lực có chất lượng cũng như trình độ, để tiếp quản kỹ thuật tân tiến trong thời gian tới”.
Do đó, ông Park Jae Hong cho biết: “Tập đoàn vẫn luôn phối hợp với UBND TP Hải Phòng để xây dựng những dự án, thành lập các khóa học, các lớp đào tạo để nâng cao năng lực của người lao động”…
Trong mục tiêu thu hút vốn FDI, Hải Phòng định hướng thu hút những dự án có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại, các ngành nghề không có nguy cơ ô nhiễm môi trường, không thâm dụng lao động…
LÀM GÌ ĐỂ CUNG ỨNG ĐỦ 300.000 LAO ĐỘNG CHẤT LƯỢNG CAO?
Trên cơ sở đó, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng trong 5 năm tới và tầm nhìn tới năm 2030 đặt mục tiêu, sẽ lấp đầy 90% diện tích 12 khu công nghiệp. Đồng thời, mở rộng thêm 15 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 6.400 ha, thu hút vốn FDI đạt từ 12,5 tới 15 tỷ USD.
Tương ứng với quy mô đó, ước tính Hải Phòng cần có số lượng lao động lên tới 300.000 người.
Trong đó, nhu cầu lao động phổ thông như các bộ phận lắp ráp, dây chuyền chế biến, đóng gói thủ công khoảng 50%, tương ứng với 150.000 người. Công nhân kỹ thuật và người lao động đã qua đào tạo khoảng khoảng 40%, tương ứng 120.000 người.
Còn lại, lao động quản lý có trình độ bậc trung bao gồm các thợ bậc cao, cử nhân, cao đẳng nghề, kỹ sư thực hành khoảng 7% tương ứng với hơn 20.000 người. Đặc biệt, lao động có trình độ cao như tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân có kinh nghiệm cũng khoảng 4% tương ứng với hơn 10.000 người.
Như vậy, có thể thấy Hải Phòng đang có nhu cầu khá lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Thành phố xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược phát triển. Trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo chất lượng cao cũng đã được thành phố triển khai từ nhiều năm trước.
Đến nay, đã có hơn 20 dự án đầu tư nước ngoài vào giáo dục nghề nghiệp Hải Phòng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động thực hiện, tiếp nhận sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia theo chương trình, dự án ODA, ADB và một số chuyên gia tình nguyện…
Tuy nhiên, để nhân lực chất lượng cao trở thành nòng cốt phát triển của thành phố, thành bệ đỡ cho cực tăng trưởng phía Bắc, Hải Phòng cần nhiều hơn là các chính sách về giáo dục.
Hơn hết, thành phố trước tiên cần phải trở thành “nơi đáng sống”. Từ đó phát huy sức hấp dẫn tự thân, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hội tụ về.
Nếu không có môi trường đáng sống, dẫu có được đào tạo tại Hải Phòng, nhân lực chất lượng cao có thể không chọn làm việc tại thành phố, chứ chưa cần bàn tới chuyện thu hút về thành phố làm việc.