Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, giai đoạn 2024 - 2025, Hải Phòng dự kiến sẽ thực hiện chủ trương gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, trong đó, sẽ dùng ngân sách hỗ trợ để giải bản, chuyển đổi ngư cụ cho chủ tàu, thuyền viên của 314 tàu cá hoạt động ven bờ sang khai thác bền vững.
CẠN KIỆT THUỶ SẢN VEN BỜ
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hải Phòng, những năm vừa qua, Hải Phòng đã áp dụng nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế thuỷ sản, trong đó, có việc phê duyệt tín dụng cho 54 chủ tàu số tiền hơn 697,6 tỷ đồng đóng mới tàu đánh bắt thuỷ sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Hải Phòng cũng đã đầu tư, đưa vào hoạt động 3 cảng cá Trân Châu (huyện Cát Hải), Ngọc Hải (quận Đồ Sơn) và cảng cá Tây Nam Bạch Long Vỹ (huyện đảo Bạch Long Vỹ). Đồng thời, Hải Phòng đã thực hiện hỗ trợ sau đầu tư cho các tàu cá, hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị ngư cụ, bảo hiểm rủi ro cho chủ tàu, thuyền viên tàu đánh bắt thuỷ hải sản và hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hoá từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ.
Nhờ đó, giá trị sản xuất khai thác thuỷ sản giai đoạn 2020 - 2023 của Hải Phòng tăng 3,71%/năm, sản lượng khai thác tăng 4%/năm. Năm 2023, sản lượng khai thác đạt 123.000 tấn, giá trị khai thác đạt 2.882 tỷ đồng. Đội tàu khai thác thuỷ sản phát triển theo hướng tăng khai thác xa bở, giảm khai thác ven bờ, phát triển đa dạng với nhiều loại nghề (lưới kéo, lưới rê, câu, chụp, lồng…).
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do diện tích vùng biển ven bờ của Hải Phòng lớn, ngư dân chủ yếu hoạt động khai thác thuỷ hải sản gần bờ, khai thác cá tạp nên dù sản lượng khai thác tăng nhưng nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt. Một trong những nguyên nhân làm suy giảm nguồn lợi thuỷ sản ven bờ là do sản lượng khai thác bằng lưới rê tăng từ 30% lên 32%, khai thác từ lưới kéo tăng từ 10% lên 22,3%.
Nguyên nhân khác khiến nguồn lợi thuỷ sản là đội tàu khai thác ven bờ của Hải Phòng chiếm tỷ lệ lớn. Trong tổng số 952 tàu cá của Hải Phòng đang hoạt động, có 391 tàu (chiếm tới 41,7%) khai thác ở vùng bờ, 223 tàu (loại dài từ 12-15m) khai thác tại vùng lộng và chỉ có 338 tàu (dài trên 15m) khai thác vươn khơi (chiếm 36% số tàu cá). Số lượng tàu khai thác kiểu tận thu ven bờ là nơi trú ẩn, bãi đẻ của thuỷ sản đã khiến nguồn lợi thuỷ sản suy giảm mạnh.
GIẢI BẢN 204 TÀU CÁ KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN
Xác định muốn đưa nghề cá phát triển bền vững cần phát triển nghề khai thác xa bờ, giảm khai thác ven bờ, nhất là việc dừng hoạt động của các tàu cá nhỏ ven bờ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, trên địa bàn Hải Phòng có tới 204 tàu khai thác thuỷ sản phải giải bản, trong đó, có 104 tàu đủ điều kiện khai thác nhưng xâm hại đến nguồn lợi thuỷ sản, 28 tàu cá không còn đủ điều kiện hoạt động và 72 tàu chưa thực hiện đăng ký tàu cá theo quy định. Ngoài ra còn 110 tàu cá sử dụng các loại ngư cụ gây hại cho nguồn lợi thuỷ sản cần được chuyển đổi sang loại ngư cụ phù hợp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng cho biết đối với 204 tàu cá được đề xuất giải bản, dự kiến Hải Phòng sẽ dùng ngân sách hỗ trợ ngư dân. Cụ thể, tàu cá dài từ 6m đến dưới 12m, hoạt động 10-15 năm được hỗ trợ 100 triệu đồng/tàu, tàu hoạt động 15-20 năm được hỗ trợ 80 triệu đồng/tàu, tàu hoạt động trên 20 năm được hỗ trợ 60 triệu đồng/tàu.
Đối với tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên, đã hoạt động 10-15 năm được hỗ trợ 250 triệu đồng/tàu, đã hoạt động 15-20 năm được hỗ trợ 185 triệu đồng/tàu, hoạt động từ 20 năm trở lên được hỗ trợ 125 triệu đồng/tàu. Ngoài ra, mỗi tàu cá giải bản được hỗ trợ ổn định đời sống cho 2 thuyền viên với mức hỗ trợ gần 13 triệu đồng/tàu.
Đối với 110 tàu cá hỗ trợ kinh phí mua ngư cụ, máy tời để chuyển đổi nghề khai thác thuỷ sản, tàu dài từ 6m đến dưới 12m chuyển sang nghề câu được hỗ trợ 50 triệu đồng/tàu, tàu chuyển sang nghề lưới rê được hỗ trợ 155 triệu đồng/tàu, tàu chuyển sang nghề lồng bẫy ghẹ được hỗ trợ 125 triệu đồng/tàu, tàu chuyển sang nghề khác không thuộc diện cấm theo quy định pháp luật được hỗ trợ 80 triệu đồng/tàu.
Các tàu dài từ 12m đến dưới 15m chuyển đổi sang nghề câu được hỗ trợ 80 triệu đồng/ tàu, tàu chuyển sang nghề lưới rê được hỗ trợ 295 triệu đồng/ tàu, chuyển sang nghề lồng bẫy ghe được hỗ trợ 205 triệu đồng/ tàu, tàu chuyển sang các nghề khác mà pháp luật không cấm được hỗ trợ 110 triệu đồng/ tàu.
Theo dự tính từ UBND TP. Hải Phòng, tổng mức hỗ trợ giải bản 204 tàu cá, hỗ trợ mua ngư cụ, máy tàu cho 110 tàu cá là hơn 38,5 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Theo đánh giá của UBND TP. Hải Phòng, việc hỗ trợ ngư dân giải bản, chuyển đổi ngư cụ sẽ tạo thu nhập ổn định hơn, đồng thời, góp phần bảo vệ, tăng nguồn lợi thuỷ sản ven bờ và vùng lộng, đưa nghề khai thác thuỷ sản phát triển bền vững hơn.