May 26, 2023 | 16:58 GMT+7

Hải Phòng sẽ trở thành mô hình điểm trong Đề án chiến lược phát triển logistics Việt Nam

Trần Kỳ - Nguyễn Hiền

Hải Phòng là địa phương duy nhất trong khu vực phía Bắc hội tụ đầy đủ 5 phương thức vận tải, bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa cùng các điều kiện địa lý tự nhiên và hệ thống cảng biển thuận lợi cho việc phát triển ngành dịch vụ logistics...

Đoàn công tác Bộ Công thương khảo sát tại cảng Hải Phòng
Đoàn công tác Bộ Công thương khảo sát tại cảng Hải Phòng

"Hải Phòng sẽ trở thành mô hình điểm trong Đề án chiến lược phát triển logistics Việt Nam" là nhận định của thứ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Bộ Công Thương với UBND thành phố Hải Phòng về chủ trương Xây dựng Đề án chiến lược phát triển dịch vụ Logistic Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.  vào chiều 24/5.

Cũng theo đánh giá của ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Hải Phòng là địa phương có tiềm năng, lợi thế để trở thành Trung tâm phát triển dịch vụ logistics của quốc gia và khu vực.

Trên thực tế, Hải Phòng là địa phương duy nhất trong khu vực phía Bắc hội tụ đầy đủ 5 phương thức vận tải, bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa cùng các điều kiện địa lý tự nhiên và hệ thống cảng biển thuận lợi cho việc phát triển ngành dịch vụ Logistics. Bên cạnh đó, địa phương này có bề dày truyền thống và kinh nghiệm trong khai thác, vận hành cảng biển và hệ thống hậu cần sau cảng.

Ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, cho biết hoạt động của dịch vụ logistics tại thành phố Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như đồng bằng sông Hồng. Giai đoạn 2011 - 2020 tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ logistics tại đây luôn đạt mức tăng trưởng từ 18% - 23%/năm.

Trong năm 2022 đã có trên 160 triệu tấn hàng hóa thông qua các cảng biển tại Hải Phòng. Dự kiến trong năm 2023, sản lượng hàng hóa thông qua đây ước đạt trên 180 triệu tấn. Hiện tỷ trọng đóng góp vào GDP của thành phố của lĩnh vực này ước đạt từ 10% - 15%.

Được biết, trong những năm gần đây, hoạt động dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có những bước phát triển mạnh cả về lượng và chất, hàng loạt các thương hiệu lớn trong và ngoài nước đã tham gia, đầu tư khai thác tại thị trường này. Toàn thành phố Hải Phòng hiện có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, trong đó có khoảng 30 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia như DHL, UPS, FedEX...

Tuy nhiên, phần lớn miếng bánh logistics tại Hải Phòng đang thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài (chiếm 70 -80% thị phần). Trăn trở về điều này, ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, cho biết phần lớn các doanh nghiệp trong nước là những mô hình nhỏ lẻ, hoạt động chủ yếu ở những cung đoạn cuối như: bốc xếp, vận chuyển, lưu kho… mà những cung đoạn này ở trong “chuỗi” cung ứng có giá trị gia tăng là thấp nhất.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế trong việc đoàn kết, thống nhất về các mức giá dịch vụ, dẫn đến một thực tế là mức giá áp dụng cho bốc xếp, vận tải, lưu kho hàng hóa tại Hải Phòng cũng như Việt Nam hiện rất thấp so với khu vực Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia, để nâng cao tính hiệu quả của logistics, bên cạnh việc các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực nội tại, thì rất cần sự quan tâm, theo sát thực tế của hệ thống quản lý nhà nước. Trong đó, cần kịp thời ban hành những chủ trương, chính sách, cơ chế phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của lĩnh vực logistics; Cần tập trung nguồn lực đầu tư cho cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực…

Với Hải Phòng, cần sớm đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt tiêu chuẩn quốc tế kết nối các cảng với hệ thống đường sắt quốc gia, quốc tế. Chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống giao thông thủy nội địa từ Hải Phòng đến các địa phương trong khu vực…

Nhấn mạnh về vai trò của dịch vụ logistics trong phát triển kinh tế xã hội, Ông Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, cho biết đầu tư, phát triển cảng biển – logistics, công nghiệp công nghệ cao và du lịch –thương mại là nhiệm vụ trong tâm của thành phố, đây là 3 trụ cột chính trong cơ cấu lại nền kinh tế Hải Phòng.

Trong những năm gần đây, Hải Phòng đã dành phần lớn nguồn lực để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông kết nối. Tuy nhiên, “để triển khai đầu tư hệ thống đường sắt, hệ thống giao thông thủy nội địa thì cần sự vào cuộc của các bộ ngành, các địa phương cùng chung tay”, Phó Chủ tịch Hải Phòng nhấn mạnh.

Về việc triển khai xây dựng “Đề án chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045”, các thành viên trong đoàn đều cho rằng xây dựng đề án dựa sẽ trên cơ sở những nghị quyết, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với tính đặc thù, thế mạnh của từng địa bàn, khu vực.

Để nâng cao tính thực tiễn của đề án, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết đoàn công tác sẽ xem xét chọn Hải Phòng làm mô hình điểm trong Đề án chiến lược phát triển Logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate