Ngày 28/12, Cục Thống kê thành phố Hải Phòng đã công bố kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023. Đây là năm thứ 2 thành phố thu ngân sách đạt trên 100.000 tỷ đồng và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số, đứng vị trí thứ 5 cả nước.
Theo ông Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hải Phòng, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục ổn định và phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu có sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ và đứng trong tốp đầu của cả nước.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP đứng thứ 5; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) đứng thứ 9; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục, đứng thứ 2; thu nội địa đạt chỉ tiêu HĐND giao và vượt cao so với chỉ tiêu Trung ương giao; là điểm sáng của cả nước trong giải ngân vốn đầu tư công; các hoạt động du lịch, dịch vụ phục hồi rõ nét; các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo và phát huy hiệu quả.
Cụ thể, GRDP năm 2023 của thành phố Hải Phòng tăng 10,34% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch tăng từ 12,7%-13%), đứng thứ 5 cả nước và thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,11%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,54%; khu vực dịch vụ tăng 10,02% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,83%.
Năm 2023, khu vực thương mại, dịch vụ là một điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng, một số ngành thương mại, dịch vụ trọng điểm đạt mức tăng trưởng vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 13,34% so với năm trước; tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 7.949,1 nghìn lượt, tăng 13,56% so với cùng kỳ, doanh thu vận tải hành khách tăng gần 67% so cùng kỳ.
Nhìn chung, cơ cấu nền kinh tế năm 2023 trên địa bàn thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 3,4%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 53,34%; khu vực dịch vụ chiếm 37,76%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2023 ước đạt 102.614,5 tỷ đồng, bằng 98,02% so với dự toán Trung ương giao và bằng 88,12% so với dự toán HĐND. Đây cũng là năm thứ 2 thành phố thu ngân sách đạt trên 100 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa ước đạt 42.500 tỷ đồng, bằng 135,66% so với dự toán Trung ương giao và bằng 100% dự toán HĐND; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 58.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/12/2023 đạt 322.850 tỷ đồng, tăng 12,88% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu của Cục thống kê thành phố, tính đến ngày 20/12/2023, Hải Phòng xếp thứ hai cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh) về thu hút đầu tư với tổng số vốn là 3,4 tỷ USD. Môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố tiếp tục được cải thiện, hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, cùng với hiệu quả từ chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư đã giúp thành phố đạt kỷ lục về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại, các quốc gia trong khu vực cũng có nhiều chính sách mới để cạnh tranh đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển.
Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hải Phòng Lê Gia Phong, cho biết dể duy trì động lực phục hồi, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, ngay từ những ngày đầu năm, lãnh đạo thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công, gắn với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình quan trọng. Từ nguồn vốn này, một số công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực giao thông, công nghiệp, đô thị đã được khởi công, tạo đòn bẩy thu hút các luồng đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư FDI. Nhờ đó, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2023 đạt kết quả khá, dự kiến tăng 11,24% so với cùng kỳ, hoàn thành kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn thách thức như: thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu đơn hàng, giá xăng dầu, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải còn ở mức cao, áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động.