Theo thông tin từ Sở Du lịch thành phố Hải Phòng, trong 8 tháng đầu năm, du lịch Hải Phòng ước đón và phục vụ hơn 6,5 triệu lượt khách; trong đó, đảo Cát Bà đón 2,8 triệu lượt khách, khu du lịch Đồ Sơn đón 2,6 triệu lượt khách.
Ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, cho biết bên cạnh việc khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có, thành phố Hải Phòng đã tập trung nâng cấp, cải thiện cơ sở vật chất nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có 554 cơ sở lưu trú du lịch với 16.284 phòng. Trong đó, có 06 khách sạn hạng 5 sao; 09 khách sạn 4 sao và 04 khách sạn hạng 3 sao. Hải Phòng hiện có 4 sân Golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút lượng du khách tham gia thường xuyên và ổn định trong 4 mùa.
Tổng số doanh nghiệp lữ hành hoạt động trên địa bàn thành phố là 142 doanh nghiệp; trong đó có 85 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, 54 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, 03 chi nhánh công ty kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành.
Trong 6 tháng đầu năm, Sở Du lịch thành phố đã thực hiện thẩm định, cấp mới, cấp đổi 02 giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, thêm mới 08 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế; thu hồi 03 Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, 07 Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, Sở Du lịch đã thẩm định hồ sơ và cấp, cấp đổi, cấp lại 107 thẻ hướng dẫn viên; Tổ chức các lớp cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn thành phố.
Đối với công tác chuyển đổi số ngành du lịch, thời gian qua, Sở du lịch Hải Phòng đã đẩy mạnh tuyên truyền công tác chuyển đổi số trên hệ thống thông tin của Sở, đưa các nội dung tuyên truyền về phát triển công nghệ số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và các nhiệm vụ chuyển đổi số trên hệ thống phần mềm quản lý điều hành văn bản, Cổng thông tin điện tử và Website của Sở đến toàn thể công chức của Sở, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, du khách và nhân dân.
Sở du lịch thành phố đã tích cực khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành sử dụng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, tiếp cận du lịch thông minh.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch trên các phương tiện truyền thông; 100% các sự kiện, hoạt động du lịch của thành phố được thông báo, tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử, website, fanpage của Sở Du lịch; Trên 50% doanh nghiệp du lịch tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc có áp dụng giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên các sàn điện tử; 100% doanh nghiệp du lịch thực hiện Hóa đơn điện tử trong thanh toán.
Vừa qua, UBND thành phố Hải Phòng đã phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án nêu rõ, năm 2025, ngành du lịch thành phố đặt mục tiêu đón khoảng 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 12.400 tỷ đồng và ngành du lịch đóng góp khoảng 2,80% GRDP thành phố Hải Phòng.
Mục tiêu đến năm 2030, Hải Phòng đón khoảng 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 25.500 tỷ đồng, ngành du lịch đóng góp khoảng 4,19% GRDP thành phố.
Về xã hội, du lịch giải quyết việc làm cho 18,700 lao động trực tiếp năm 2025, đến 2030 là 23.000 lao động trực tiếp; góp phần bảo tồn văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Về môi trường, du lịch góp phần sử dụng tài nguyên hiệu quả, tham gia tích cực vào bảo tồn hệ sinh thái và giảm thiểu tác động môi trường về rác thải, khí thải tại các khu, điểm du lịch. Đến năm 2025, 100% các khu, điểm du lịch; các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân huỷ.