Ngày 6/1, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết năm 2024 các khu công nghiệp, khu kinh tế của thành phố đã thu hút được 4,35 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bằng 242% so với kế hoạch được giao, trong đó, các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo, logistics chiếm tới 77%.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cho biết mặc dù năm 2024 gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng Ban Quản lý Khu kinh tế đã chủ động sáng tạo, tập trung chỉ đạo điều hành đúng trọng tâm trọng điểm nên đã tạo ra đột phá trong thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Cụ thể, năm 2024, các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng đã thu hút được tới 4,35 tỷ USD vốn FDI, bằng 242% kế hoạch năm (từ 1,8-2,3 tỷ USD), nâng tổng vốn FDI luỹ kế đến nay là 30,3 tỷ USD với tổng cộng 594 dự án. Trong đó, tỷ lệ các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo, logistics đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn chiếm tới 77%.
Năm 2024, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng đạt tổng doanh thu khoảng 33,5 tỷ USD (bằng 105% kế hoạch), xuất khẩu ước đạt 28,5 tỷ USD (bằng 109% kế hoạch), nhập khẩu ước đạt 22,8 tỷ USD (bằng 107% kế hoạch), nộp ngân sách ước đạt 12.350 tỷ VNĐ (bằng 104% kế hoạch). Tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế là hơn 210.000 người (tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước) với thu nhập bình quân mỗi lao động khoảng 11,5 triệu đồng/tháng.
Theo ông Kiên, để đạt được kết quả thu hút FDI ấn tượng như vậy, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã chủ động thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, có công nghệ cao thân thiện môi trường, có sức lan toả, đóng góp lớn cho thành phố. Đồng thời, thu hút được các doanh nghiệp trong nước theo định hướng phát triển tập trung vào ba trụ cột công nghiệp – công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã chủ động tham gia 46 chương trình hội nghị tiếp xúc đầu tư, trong đó, có 9 chương trình xúc tiến đầu tư tại một số thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… giúp kết nối với nhiều tổ chức lớn, đặc biệt trong lĩnh vực chíp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Đáng chú ý là các dự án đầu tư của tập đoàn LG (đến nay tổng vốn đầu tư đạt trên 10,59 tỷ USD) và nhiều nhà đầu tư lớn đang tập trung hoàn tất, chuẩn bị đầu tư.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được triển khai đồng bộ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại các khu công nghiệp, khu kinh tế đưa chỉ số cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng xếp thứ 6/20 toàn thành phố.
Đồng thời, Ban Quản lý Khu kinh tế tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa phát triển, nâng cao khả năng hấp thụ công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI, tạo mối liên kết hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Ông Kiên cho biết năm 2025 là năm bản lề quan trọng, đánh dấu sự kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đặt ra mục tiêu hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao thu hút từ 3-3,5 tỷ USD vốn FDI. Đồng thời, tập trung lập quy hoạch chung xây dựng, phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, triển khai các khu công nghiệp mới, khu công nghiệp sinh thái.
“Chúng tôi cũng tăng cường chuyển đổi số, hoàn thiện tinh gọn bộ máy tổ chức, cải thiện môi trường đầu tư để Hải Phòng tiếp tục là điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Kiên nói.