“Cứ ra cửa khẩu là đụng kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp tiếp xúc với cơ quan kiểm tra chuyên ngành còn nhiều hơn với hải quan đến phát ngán ngẩm...”
Ông Đặng Thái Thiện, Phó Phòng Giám sát quản lý Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét.
Một gói bánh cũng phải kiểm tra
Cũng theo ông Thiện, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành hiện nay quá nhiều. Theo kết quả rà soát của Tổng cục Hải quan, tính đến 30/6/2016 đã rà soát được 343 văn bản.
Trong đó có 19 luật, 1 pháp lệnh, 50 nghị định, 12 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 3 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 235 thông tư và quyết định của các bộ, ngành...
Ông Thiện nhận định, việc theo dõi, tập hợp và hệ thống các văn bản này gây khó khăn không ít cho những người thực thi trong công tác quản lý Nhà nước và doanh nghiệp.
Bên cạnh việc có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật thì chất lượng của các văn bản này cũng là điều đáng nói.
Như Nghị định 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 16/2015/TT-BTTTT về nhập khẩu thiết bị in gây khó khăn cho sản xuất của doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực xuất bản phẩm. Những văn bản này quy định về giấy phép khi nhập khẩu máy in nhằm mục tiêu quản lý việc in ấn các xuất bản phẩm.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nhập máy in lên sản phẩm nhựa, gạch men, in trên sản phẩm dệt may cũng bị ảnh hưởng vì không có giấy phép in ấn, xuất bản...
Một số quy định đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể như đến nay Bộ Quốc phòng chưa ban hành hướng dẫn về nhập khẩu mặt hàng nhạy cảm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội như thiết bị bay siêu nhẹ, thiết bị ghi hình siêu nhỏ...
Thậm chí có những văn bản này về mặt pháp lý đã hết hiệu lực nhưng đến nay chưa có văn bản thay thế nên đành phải dùng tiếp... Như căn cứ pháp lý để ban hành Quyết định 50/2006/QĐ-TTg ngày 7/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực nhưng quyết định này vẫn được áp dụng...
Việc kiểm tra chuyên ngành còn bất hợp lý ở chính việc quy định mặt hàng phải kiểm tra. Như Cục Đăng kiểm của Bộ Giao thông Vận tải tiến hành kiểm định chất lượng một chiếc xe ô tô hạng sang nhập khẩu mới từ nhà sản xuất như xe Rolls Royce, maybach...
“Tôi không hiểu Cục Đăng kiểm có đủ trình độ kiểm tra những chiếc xe sang này không vì đây là những sản phẩm đạt tiêu chí cao, đáp ứng được hết tất cả tiêu chí của các thị trường trên toàn cầu...”, ông Ông Đinh Ngọc Thắng – Phó Cục Trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh nghi ngại.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đang vướng ở việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với quà biếu, tặng nhập khẩu. Loại hàng hoá này rất đa dạng về chủng loại, đôi khi mỗi người chỉ mang một gói bánh, gói kẹo...
Trung bình mỗi tuần hải quan nơi đây tiếp nhận tới 200 tờ khai cho loại hàng hoá này trong khi những mặt hàng này không có cơ sở quy chuẩn để làm căn cứ kiểm tra, chủ yếu là kiểm tra bằng cảm quan bên ngoài và hạn sử dụng...
“Có nhiều người đã cáu gắt với cán bộ hải quan vì chỉ có một gói bánh cũng phải làm hồ sơ, thủ tục hải quan và kiểm tra an toàn thực phẩm...”, ông Thắng chia sẻ.
Hải quan như "anh bảo vệ"
Ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia Dự án GIG USAID cho rằng, mấu chốt ở các Bộ chưa mặn mà trong việc cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành mà mình quản lý. Việc kiểm tra từng lô hàng lẻ chỉ có ở Việt Nam. Cái này bắt nguồn từ rất nhiều li do như thể chế, con người, trang thiết bị và sự phối hợp giữa các bên...”.
Ông Đinh Ngọc Thắng cũng nhấn mạnh, câu chuyện quản lý chuyên ngành ai cũng biết nhưng giải quyết nó như thế nào mới thì ít được quan tâm.
Đến nay chúng ta mới giải quyết ngọn vấn đề, còn cái gốc là thay đổi thể chế như việc thay đổi những quy định pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành, phương pháp quản lý như mạnh dạn điện tử hoá thì chưa làm được.
Việc thông quan hàng hoá như kiềng 4 chân gồm Hải quan, Doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cơ quan kiểm tra chuyên ngành và đơn vị cảng hay cửa khẩu. Nếu 4 chân không chạy đồng đều thì không thể giảm được thời gian.
Đến nay có 31 thủ tục đã được sử dụng trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia nhưng thực chất trong đó chỉ có một vài thủ tục gọi là sử dụng được, còn lại chưa sử dụng được do chậm, khó tiếp cận...
Theo ông Thắng, Chính phủ cần có một Nghị định gom hết tất cả các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu về một mối để tránh sự tuỳ tiện của các Bộ, ngành khi thực hiện...
Mặt khác, doanh nghiệp đôi khi cũng không nắm được đầy đủ các vấn đề. Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã từng gửi cho hơn 200 doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn đề nghị có ý kiến về quản lý chuyên ngành, xem vướng ở đâu nhưng dường như họ không quan tâm...
“Hải quan như anh bảo vệ, lô hàng nào có giấy thì cho qua cửa, không thì thôi, còn giấy tờ là do cơ quan quản lý chuyên ngành cấp...”, ông Thắng bức xúc.