Năm 2024, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 375.000 tỷ đồng. Dự toán được xây dựng trên cơ sở GDP tăng trưởng 6-6,5%, giá dầu thô 70 USD/thùng.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Tổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024.
TẠO THUẬN LỢI THƯƠNG MẠI, CHỐNG THẤT THU
Kế hoạch nêu rõ thứ nhất, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi thương mại và các hoạt động xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa.
Đồng thời, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030, hướng tới mục tiêu tổng quát là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh.
Thứ hai, yêu cầu các đơn vị tập trung nguồn lực cải cách thể chế pháp luật về hải quan theo hướng hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và định hướng phát triển hải quan.
Thứ ba, toàn ngành cần tập trung hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 thuộc kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của ngành hải quan; tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; xây dựng dự án mở rộng Cổng thông tin một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN.
Cũng trong kế hoạch này lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị cần tăng cường chống thất thu qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Theo đó, tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể như: kiểm tra chặt về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tên hàng hoá; trị giá hàng hoá xuất nhập khẩu; phân loại hàng hoá, áp dụng mã số và mức thuế; xuất xứ hàng hoá; thực hiện miễn/giảm/hoàn thuế/ưu đãi thuế; chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế.
Giám sát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải bao gồm toàn bộ hàng hóa thuộc các loại hình như: hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, kho ngoại quan, kho hàng không kéo dài; hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính; hàng quá cảnh, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan; hàng hóa, phương tiện vận tải đưa vào, đưa ra, lưu giữ tại khu vực cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa.
THU NGÂN SÁCH LẠC QUAN TỪ ĐẦU NĂM
Về tình hình công tác ngành hải quan trong tháng đầu năm, thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/01/2024 đạt 30.648 tỷ đồng, đạt 8,2% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023 do xuất nhập khẩu khởi sắc ngay từ đầu năm.
Theo đó, tổng giá trị xuất nhập khẩu tháng 1/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 5,5% (tương ứng tăng 3,35 tỷ USD) so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, tổng xuất nhập khẩu tháng 1/2024 ước tăng 37,7% (tương ứng tăng 17,58 tỷ USD).
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 01/2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục tiềm ẩn diễn biến phức tạp, cơ quan hải quan đã phát hiện các vụ việc vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó nổi cộm lên một số vụ việc nóng, nổi cộm bị phát hiện xử lý.
Tình hình vận chuyển trái phép pháo nổ có chiều hướng gia tăng ngay trong tháng, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ lợi dụng phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, gia cố hầm hàng, khoang, thùng để cất giấu pháo nổ nhằm qua mắt các lực lượng chức năng, tập trung tại một số địa phương như Quảng Trị, Nghệ An, Lạng Sơn... Trong đó nổi cộm là vụ việc các đối tượng vận chuyển lên đến 1.101 kg pháo nổ, vụ việc này được bắt giữ ngày 22/12/2023 tại Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu cũng là các mặt hàng được các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tập trung tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Lào Cai, Cao Bằng...
Ngoài ra, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vẫn diễn ra hết sức phức tạp, gia tăng đột biến về quy mô, số lượng vụ việc vi phạm. Trong đó, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ.
Trước tình hình trên, với vai trò cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Kết quả trong tháng 01/2024, từ ngày 16/12/2023 - 15/01/2024, Tổng cục Hải quan cho biết toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.253 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.617,7 tỷ đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 04 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 9 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 23 tỷ đồng đến cuối tháng 1/2024.
Về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý, trong tháng 01/2024, ngành hải quan chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ: 38 vụ/49 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 07 vụ. Tang vật thu gồm: 800 gram thuốc phiện; 1,65 kg cần sa; 14,6 kg heroin; 12,6 kg và 900 viên ketamine; 26,46 kg và 03 viên ma túy tổng hợp; 3,99 gram và 50 viên ma túy khác…