Theo nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại một báo cáo gần đây, nhiều thông tin cho biết kho hàng tại một số nước than phiền về việc chất lượng gạo trắng của Việt Nam có dấu hiệu giảm sút.
Thậm chí, họ đánh giá chất lượng gạo Việt Nam chỉ tương đương với gạo Ấn Độ trong khi giá lại cao nên ngưng mua do nghi ngờ gạo Ấn Độ giả mạo xuất xứ Việt Nam.
Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TPHCM) cho biết đã tạm giữ nhiều container gạo nhập khẩu từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ gạo Việt Nam.
2 lô gạo trên nhập khẩu từ Ấn Độ, trọng lượng trên 500 tấn của 2 doanh nghiệp. Số gạo này được đóng bao PP (loại 50 kg/bao), nhưng phần lớn trên bao bì không nhãn mác, không thể hiện xuất xứ, dựa trên C/O thì biết hàng có xuất xứ Ấn Độ.
Trong đó có một số container gạo của một doanh nghiệp trên các bao bì ghi nhãn mác bằng tiếng Việt, ghi rõ tên công ty, “gạo 5% tấm-50 kg”, địa chỉ trụ sở nhà máy tại Việt Nam. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 nghi vấn số gạo này có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, hiện đã có văn bản trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân TP Thủ Đức (TPHCM) làm rõ hành vi này.
Tổng cục Hải quan cũng cho biết, quá trình theo dõi hoạt động xuất nhập khẩu gạo thời gian qua cho thấy kim ngạch nhập khẩu mặt hàng gạo tăng đột biến và có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ gạo của Việt Nam để xuất khẩu đi các thị trường khác.
Nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng gian lận, gây ảnh hưởng tới thương hiệu gạo Việt Nam, ngành hải quan đã yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra thực tế đối với lô hàng được hệ thống phân luồng kiểm tra; cần lưu ý xác định việc ghi nhãn đảm bảo đúng quy định...
Trong quá trình kiểm tra kết quả nếu phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp vụ việc có dấu hiệu gian lận phức tạp thì phối hợp với các lực lượng chức năng khác như: công an, biên phòng, quản lý thị trường để điều tra, xác minh, làm rõ các dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; Tăng cường thu thập thông tin, rà soát hoạt động xuất nhập khẩu để xác định các dấu hiệu rủi ro, phối hợp chia sẻ thông tin để triển khai các biện pháp kiểm tra trong thông quan, kiểm tra sau thông quan và chống buôn lậu.