April 05, 2016 | 11:17 GMT+7

Hải quan và doanh nghiệp xuất khẩu: Nhìn lại một năm Thông tư 38

Huy Minh

Giúp giảm nhẹ thủ tục hành chính, nhưng lại khiến không ít doanh nghiệp còn đau đầu

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam.
Đã tròn một năm kể từ khi Thông tư số 38/2015/TT-BTC - văn bản có tính cải cách mạnh mẽ và toàn diện về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan và thuế xuất nhập khẩu - có hiệu lực, vào ngày 1/4/2015.

Trong nhiều điểm tiến bộ mới, cơ chế quản lý thay đổi cho loại hình doanh nghiệp chế xuất, sản xuất xuất khẩu được đánh giá đã mang đến những chuyển biến tích cực, giúp giảm nhẹ thủ tục hành chính, nhưng lại khiến không ít doanh nghiệp còn đau đầu với nút thắt hoàn thuế, không thu thuế.

Ngoài ra, vấn đề báo cáo quyết toán và cách thức kiểm tra theo quy định mới cũng đặt ra nhiều thách thức cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp.  

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, về tính thực thi của những quy định mới này trong một năm qua, cũng như xu hướng trong thời gian tới.

Không tránh khỏi lúng túng

Với kinh nghiệm tư vấn hải quan và thuế xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhiều năm qua, ông có chia sẻ gì về trong việc chuyển đổi cách thức quản lý mới này của cơ quan hải quan đối với việc hoàn thuế, không thu thuế nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu?

Theo quy định trước đây, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu được hưởng ân hạn thuế 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Riêng đối với doanh nghiệp chế xuất thì nguyên liệu, vật tư nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế. Cơ quan hải quan cũng áp dụng các thủ tục khác nhau nhằm kiểm soát việc sử dụng nguyên liệu của doanh nghiệp theo đúng mục đích nhập khẩu như thủ tục đăng ký định mức sản phẩm, thanh khoản tờ khai trên hệ thống E-CUS, lập và nộp hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế sau khi xuất khẩu sản phẩm.

Theo đó, định mức sản phẩm do doanh nghiệp đăng ký với cơ quan hải quan và báo cáo thanh khoản luôn là căn cứ chính để cơ quan hải quan phê duyệt hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế.

Tuy nhiên, do quá trình thực hiện phát sinh nhiều bất cập, hầu hết doanh nghiệp không thể đăng ký chính xác định mức sản phẩm trong các giai đoạn sản xuất khác nhau, dẫn đến báo cáo thanh khoản theo số liệu trên E-CUS không phản ánh đúng thực tế tiêu hao sản xuất.

Bên cạnh đó, với thời gian hạn chế để xử lý một bộ hồ sơ hoàn thuế - không thu thuế, việc cơ quan hải quan kiểm tra, xác minh định mức do doanh nghiệp khai báo cũng là khó khả thi.

Nhằm tháo gỡ những bất cập nêu trên và giảm nhẹ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015, Bộ Tài chính đã bỏ thủ tục đăng ký định mức và thanh khoản trên hệ thống hải quan.

Xét về bản chất, hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế là việc đối chiếu tờ khai xuất khẩu sản phẩm đầu ra với tờ khai nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp để xác định các nguyên liệu nào đã thực đi vào hàng xuất khẩu ra nước ngoài.Trên cơ sở đó, cơ quan hải quan sẽ tiến hành hoàn thuế nhập khẩu đã nộp hoặc không thu thuế nhập khẩu, đối với tờ khai còn trong thời gian ân hạn 275 ngày.

Như vậy, việc bỏ thủ tục đăng ký định mức tiêu hao và thanh khoản theo Thông tư 38 cũng đồng nghĩa: cơ quan hải quan không còn công cụ để đối chiếu tờ khai nhập - xuất, mà quá trình hoàn thuế, không thu thuế thuần túy dựa trên thông tin do doanh nghiệp tự kê khai.

Vậy doanh nghiệp và cơ quan hải quan đã gặp khó khăn gì trong quá trình thực thi chính sách mới này? Có cách gì để tháo gỡ khó khăn đó không?

Nhiều ý kiến nhận định rằng, với việc đơn giản hóa thủ tục, trao quyền cho doanh nghiệp tự quản lý định mức sản xuất và chỉ phải báo cáo nhập-xuất-tồn hàng năm, thì về cơ bản loại hình sản xuất xuất khẩu đã được đối xử bình đẳng với loại hình gia công, là đối tượng được miễn thuế nhập khẩu. Nói cách khác, việc áp dụng ân hạn thuế 275 ngày là không còn phù hợp do cơ quan hải quan không thể theo dõi thời hạn nộp thuế theo từng tờ khai như quy định trước đây.

Với cải cách mạnh mẽ khác biệt như trên, các cơ quan hải quan địa phương trong quá trình thực hiện đã không tránh khỏi lúng túng khi vẫn phải đảm bảo tránh thất thu ngân sách do doanh nghiệp kê khai sai, kê khai không đầy đủ.

Thực tế, đến thời điểm đầu năm 2016, nhiều đơn vị hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp nộp kèm báo cáo thanh khoản để được làm thủ tục hoàn thuế, không thu thuế theo cơ chế cũ.

Một số trường hợp, doanh nghiệp nộp hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế theo quy định mới nhưng chưa được cơ quan hải quan xử lý dẫn đến tồn đọng hồ sơ, số thuế phải tạm nộp lớn và phát sinh trong thời gian dài gây ảnh hưởng đáng kể đến luồng tiền cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm chính sách về thuế xuất nhập khẩu chưa có sự thay đổi, giải pháp khả thi là cần có sự chỉ đạo thống nhất từ cơ quan đầu ngành là Tổng cục Hải quan tới các cục, chi cục hải quan địa phương để giải quyết dứt điểm hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế còn tồn đọng trên cơ sở doanh nghiệp kê khai, đúng theo tinh thần tại Thông tư 38.

Đồng thời, trên nguyên tắc quản lý rủi ro, cơ quan hải quan các cấp có thể tiến hành kiểm tra hoàn thuế song song với kiểm tra sau thông quan để đánh giá dữ liệu khai báo và khả năng tuân thủ của doanh nghiệp, tránh hoàn thừa, hoàn sai gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Sẽ thay đổi căn bản cách tiếp cận hiện nay

Vậy doanh nghiệp có gặp rủi ro gì khi cơ quan hải quan vào kiểm tra sau thông quan không, theo ông?

Đối với các hồ sơ hải quan đăng ký trước thời điểm Thông tư 38 có hiệu lực, việc kiểm tra sau thông quan về nguyên vật liệu hầu hết dựa trên kết quả đối chiếu giữa tồn kho thực tế tại doanh nghiệp và số tồn trên hệ thống thanh khoản hải quan E-CUS.

Đối với phát sinh chênh lệch (định mức đăng ký khác thực tế - PV), doanh nghiệp có quyền giải trình và cơ quan hải quan sẽ tiến hành xem xét, nếu chưa đủ cơ sở chấp nhận giải trình của doanh nghiệp, cơ quan hải quan sẽ tiến hành ấn định thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng trên lượng nguyên liệu, vật tư chênh lệch.

Trong quá trình kiểm tra sau thông quan thời gian vừa qua, doanh nghiệpđã đưa ra rất nhiều nguyên nhân giải trình cho chênh lệch tồn kho như đăng ký sai định mức thiết kế, tỷ lệ phế liệu phế phẩm, nhầm lẫn mã vật tư hoặc sai sót về số liệu xuất nhập khẩu…, tuy nhiên chưa có tiêu chí chung nào để cơ quan hải quan chấp nhận hoặc không chấp nhận ý kiến giải trình.

Do thời hạn kiểm tra đối với các hồ sơ hải quan đăng ký trước khi Thông tư 38 có hiệu lực còn rất dài, đến tháng 3/2020, việc đưa ra một ba-rem hoặc tiêu chí chung khi xem xét giải trình của doanh nghiệp là cần thiết nhằm tránh kết luận mang tính chủ quan và bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Với những hồ sơ hải quan đăng ký sau ngày Thông tư 38 có hiệu lực, doanh nghiệp đã được trao quyền chủ động hơn khi tự quản lý, xây dựng định mức theo thực tế sản xuất và chỉ phải xuất trình khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp.

Điều này cũng đồng nghĩa, cơ quan hải quan sẽ không còn công cụ để tính toán chênh lệch tồn kho một cách trực tiếp như giai đoạn trước đây. Quá trình kiểm tra sự tuân thủ của doanh nghiệp về sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu, do đó, sẽ tập trung làm rõ tính hợp lý của định mức sản xuất do doanh nghiệp tự xây dựng.

Ông đánh giá thế nào về xu hướng thanh tra, kiểm tra sau thông quan thời gian tới của cơ quan hải quan, với những thay đổi về phương thức quản lý theo Thông tư 38?

Có thể nói, dù việc áp dụng Thông tư 38 chưa tạo ra nhiều ảnh hưởng trong hoạt động kiểm tra sau thông quan năm 2015 do thời gian hiệu lực chưa dài, tuy nhiên về dài hạn, sẽ thay đổi căn bản cách tiếp cận hiện nay khi kiểm tra tồn kho nguyên vật liệu và đánh giá định mức tiêu hao nguyên vật liệu do doanh nghiệp tự xây dựng và theo dõi.

Theo đó, trong trường hợp định mức do doanh nghiệp xây dựng phù hợp với thực tế tồn kho, tức không phát sinh chênh lệch, cơ quan hải quan cần căn cứ vào thực tế sản xuất, hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp để đánh giá tính hợp lý của số liệu khai báo và chỉ ra sai sót, vi phạm, nếu có.

Với thực tế hệ thống nội bộ của mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng và nhiều thông tin, dữ liệu có thể không sẵn có, việc kiểm tra sau thông quan theo cơ chế mới sẽ đặt ra yêu cầu rất cao về kỹ năng, nghiệp vụ kế toán và kiểm tra đối với cán bộ hải quan.

Về phía doanh nghiệp, việc lưu trữ đầy đủ dữ liệu, chứng từ, đặc biệt là dữ liệu kho, dữ liệu sản xuất và phế phẩm, phế liệu là vô cùng quan trọng để chứng minh định mức sử dụng thực tế và giải đáp những câu hỏi từ cơ quan hải quan.

Để những đổi mới tích cực theo tinh thần của Thông tư 38 thực sự mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, cơ quan hải quan cần đổi mới công tác đào tạo, trang bị thêm các kiến thức cần thiết cho đội ngũ cán bộ, sắp xếp lại quy trình kiểm tra theo hướng sâu sát hơn vào thực tế quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo thu đúng, thu đủ, mà vẫn góp phần giúp doanh nghiệp tự nâng cao tính tuân thủ về thủ tục hải quan.

Hải quan và doanh nghiệp xuất khẩu: Nhìn lại một năm Thông tư 38 1

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate