Hai tỷ phú giàu nhất thế giới đang có cuộc tranh cãi trước cơ quan chức năng Mỹ về "bất động sản" trong không gian dành cho đội vệ tinh của mỗi người.
Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã đề nghị Ủy ban Liên lạc Liên ban (FCC) cho phép các vệ tinh liên lạc Starlink được hoạt động ở quỹ đạo thấp hơn so với kế hoạch ban đầu.
Công ty Amazon.com của tỷ phú Jeff Bezos thì nói rằng đề nghị của SpaceX có thể dẫn tới sự xâm phạm và va chạm với các vệ tinh Kuiper mà công ty này dự tính phóng lên không trung.
Cả vệ tinh Starlink và vệ tinh Kuiper đều được thiết kế nhằm phát sóng Internet từ không gian xuống mặt đất.
Thông thường, một cuộc tranh cãi như thế này thường được gói gọn trong các văn bản gửi cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cuộc tranh cãi giữa ông Musk và ông Bezos đã bị lộ ra trước công chúng, cho thấy tham vọng của hai nhân vật giàu nhất thế giới trong cuộc theo đuổi giấc mơ không gian.
"Chính SpaceX đã đề xuất những thay đổi có nguy cơ gây hại cho sự cạnh tranh giữa các hệ thống vệ tinh", Amazon viết trong một dòng trạng thái (tweet) trên tài khoản Twitter chính thức của công ty. "Rõ ràng, lợi ích của SpaceX nằm ở việc bóp nghẹt cạnh tranh ngay từ đầu nếu có thể, nhưng việc đó không mang lại lợi ích cho công chúng".
Ngay sau dòng tweet của Amazon, ông Musk đăng một dòng tweet phản hồi.
"Công chúng chẳng lợi lộc gì nếu Starlink bị cản trở vào lúc này vì một hệ thống vệ tinh của Amazon còn phải mất ít nhất vài năm nữa mới đi vào hoạt động", ông Musk viết.
Ông Musk, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc (CEO) của hãng xe điện Tesla và công ty du lịch vũ trụ SpaceX, mới đây đã soán ngôi giàu nhất của ông Bezos - nhà sáng lập kiêm CEO của Amazon.
Theo số liệu của xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh Bloomberg Billionaires Index, ông Musk hiện sở hữu giá trị tài sản ròng 210 tỷ USD, so với khối tài sản 194 tỷ USD của ông Bezos.
SpaceX đến nay đã phóng hơn 1.000 vệ tinh dịch vụ Internet Starlink và đã bắt đầu có những khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ở Mỹ, Anh và Canada.
Về phần mình, Amazon năm ngoái đã được FCC cấp phép phóng 3.236 vệ tinh Kuiper, nhưng đến nay chưa phóng vệ tinh nào.
Amazon đã kêu gọi FCC từ chối đề nghị của SpaceX về hạ thấp quỹ đạo của vệ tinh Starlink, nói rằng thay đổi như vậy sẽ đặt các vệ tinh Starlink vào giữa quỹ đạo của hệ thống Kuiper.
SpaceX nhanh chóng "phản pháo", nói rằng đề xuất của mình sẽ không gây ảnh hưởng gì đến "kế hoạch còn mới manh nha" của Amazon.
Quỹ đạo thấp hơn sẽ cải thiện tốc độ dịch vụ Internet vì rút ngắn đường đi của tín hiệu. SpaceX nói với FCC rằng việc đưa quỹ đạo của hệ thống Starlink về gần hơn với Trái Đất sẽ làm giảm bớt rủi ro rác vũ trụ, vì khi đó các vệ tinh sẽ rơi khỏi quỹ đạo nhanh hơn so với những vật thể có quỹ đạo cao hơn.
Kế hoạch của SpaceX là phóng hoảng 12.000 vệ tinh và đã được FCC cấp phép phóng 4.400 vệ tinh, bao gồm 1.584 vệ tinh ở quỹ đạo cách mặt đất 550 km - quỹ đạo mà các vệ tinh Starlink hiện nay đang vận hành. SpaceX đang xin phép được đưa thêm 2.824 vệ tinh lên cùng độ cao, thay vì lên độ cao lớn gấp đôi như đề xuất ban đầu.