February 27, 2010 | 19:28 GMT+7

Hạn chế tối đa yếu tố phát sinh lạm phát

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hạn chế tối đa những yếu tố phát sinh làm cho lạm phát tăng cao trong năm 2010

Chính phủ yêu cầu đáp ứng các mặt hàng thiết yếu để đảm bảo không xảy ra khan hiếm hàng hóa - Ảnh: Việt Tuấn.
Chính phủ yêu cầu đáp ứng các mặt hàng thiết yếu để đảm bảo không xảy ra khan hiếm hàng hóa - Ảnh: Việt Tuấn.
Trước tình hình giá cả, thị trường những ngày sau Tết Nguyên đán Canh Dần vẫn biến động theo chiều hướng tăng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai một số biện pháp nhằm hạn chế tối đa những yếu tố phát sinh làm cho lạm phát tăng cao trong năm 2010.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các biện pháp cần tập trung vào những yếu tố tác động do việc lợi dụng sự điều chỉnh giá của Nhà nước để đẩy giá các loại hàng hóa tăng cao, gây tâm lý bất lợi trong xã hội.

Đáp ứng các mặt hàng thiết yếu

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng ngay trong tháng 3/2010 phải chủ động rà soát cân đối cung - cầu các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước như: gạo, xăng dầu, phân bón, xi măng, sắt thép,.... chủ động, kịp thời can thiệp thị trường hoặc trình cấp có thẩm quyền các giải pháp ứng phó trong trường hợp cần thiết để bảo đảm không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Cùng với các bộ ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn; tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý giá cả, nhất là giá các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, giá cước vận tải và giá các loại dịch vụ.

Điều hành tốt chính sách tiền tệ

Hiện dư luận nhân dân rất quan tâm và mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về quản lý giá cả để không làm ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống nhân dân, đồng thời giảm bớt khó khăn cho Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2010, nhất là mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2010 đã được Quốc hội giao.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động triển khai các biện pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thông qua việc điều hành tốt các công cụ của chính sách tiền tệ bảo đảm kiềm chế không để lạm phát cao và đáp ứng yêu cầu thanh khoản của nền kinh tế, của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ theo đúng quy định; thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng và các tập đoàn kinh tế, không để xảy ra việc đầu cơ, găm giữ ngoại tệ làm ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cũng phải chủ động cung cấp thông tin về chủ trương, biện pháp điều hành giá cả của Chính phủ trong năm 2010, cũng như triển khai thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng khó khăn khi thực hiện chủ trương điều hành giá cả theo cơ chế thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường; xử phạt nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về quản lý giá, các hành vi lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước để đẩy giá hàng hóa lên cao, các hành vi đầu cơ găm hàng thu lợi bất chính của các tổ chức, cá nhân.

Bộ Thông tin và Truyền thông phải chỉ đạo tốt công tác thông tin tuyên truyền, không gây hoang mang, tạo tâm lý tăng giá và thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác chủ trương, biện pháp điều hành giá cả của Chính phủ trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân hiểu và đồng thuận với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Sức mua hiện nay đạt 60-90% so với trước Tết

Theo nhận định của đại diện các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, tính đến nay, sức mua đã đạt từ 60% đến 90% so những ngày bình thường trước tết. Dự báo những ngày trở lại đây sức mua sẽ trở lại bình thường. Nhưng điều mà người dân lo ngại là giá cả sẽ quen “đà” tết mà tiếp tục tăng sau tết, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.

Hiện nay tại một số chợ ở Hà Nội và Tp.HCM, giá lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng tiêu dùng vẫn đứng ở mức cao, nhất là rau xanh. Nguyên nhân là do hiện tượng đẩy giá của các hộ kinh doanh, bán lẻ. Mặc dù theo thống kê của ngành Công Thương, nguồn hàng tương đối dồi dào, bởi trước Tết, các ngân hàng thương mại đã cho doanh nghiệp vay không lãi suất để đảm bảo nguồn hàng, không tăng giá. Tuy nhiên, tâm lý “mọi thứ đều tăng giá” sau Tết làm cho tốc độ tăng giá nhanh hơn thực tế.

Theo ý kiến các chuyên gia, tình hình này rất cần có biện pháp quyết liệt để kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp tăng giá quá mức dẫn tới giá cả tăng ngoài vòng kiểm soát - yếu tố tất yếu dẫn tới lạm phát.

Bên cạnh đó, chính từng người dân cũng cần chủ động trong việc mua sắm, tiêu dùng một cách hợp lý để góp phần ổn định giá cả thị trường ngay sau Tết.

Hà Phương (Chinhphu.vn)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate