July 08, 2025 | 10:10 GMT+7

Hàn Quốc cân nhắc "quân bài" công nghệ để đàm phán với Mỹ

Ngọc Trang -

Chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng thảo luận với Washington về cách thức đối xử với các công ty công nghệ Mỹ như Google và Meta như một đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thuế quan...

Quốc kỳ của Hàn Quốc và Mỹ - Ảnh: Reuters
Quốc kỳ của Hàn Quốc và Mỹ - Ảnh: Reuters

Ngày 7/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã gửi thư tới 14 đối tác thương mại để thông báo về các mức thuế quan đối ứng áp dụng với hàng hóa từ các quốc gia này nhập khẩu vào Mỹ. Trong đó, Hàn Quốc - một đồng minh thân cận của Mỹ - chịu mức thuế quan 25%, có hiệu lực từ ngày 1/8.

Trước những áp lực từ Washington, Seoul đang cố gắng đưa ra các đề nghị để tiếp tục đàm phán trước khi thuế quan đối ứng của ông Trump có hiệu lực. Một trong số đó là đề nghị nới lỏng các biện pháp quản lý đối với các công ty công nghệ Mỹ đang hoạt động tại Hàn Quốc.

"QUÂN BÀI" CÔNG NGHỆ

Ông Yeo Han-koo, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc và là đại diện của Seoul trong các cuộc đàm phán thương mại, cho biết Hàn Quốc - một nền kinh tế định hướng xuất khẩu - sẽ đưa ra cách tiếp cận linh hoạt đối với các doanh nghiêp công nghệ Mỹ trên bàn đàm phán thuế quan.

“Chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng thảo luận với Washington về cách thức đối xử với các công ty công nghệ Mỹ như Google và Meta như một đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thuế quan”, ông Yeo chia sẻ ngày 7/7.

Ngày 2/4, ông Trump công bố chính sách thuế đối ứng với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ, trong đó Hàn Quốc chịu mức 25%. Tới ngày 9/4, vị Tổng thống hoãn áp dụng mức thuế này tới ngày 9/7 để đàm phán. Tuy nhiên, khi thời điểm này đã cận kề mà hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào, thư áp thuế quan được gửi tới với một thời hạn mới là 1/8.

Khác với một số nước cũng chưa đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, thuế quan đối ứng với hàng hóa Hàn Quốc được giữ nguyên ở mức 25%, thay vì tăng lên như trường hợp của Nhật Bản (tăng từ  24% lên 25%), Malaysia (từ 24% lên 25%), hay giảm xuống như trường hợp Lào (từ 48% còn 40%), Myanmar (từ 44% còn 40%).

Một số quốc gia khác cũng được giữ nguyên mức thuế như đã công bố ngày 2/4 gồm Thái Lan (36%), Indonesia(32%), Nam Phi (30%).

"Trong lĩnh vực kỹ thuật số, Mỹ đã yêu cầu Seoul tăng khả năng tiếp cận thị trường và đối xử không phân biệt đối xử với doanh nghiệp Mỹ”, ông Yeo cho biết. “Chính phủ Hàn Quốc sẽ phản ứng linh hoạt và xem xét kỹ lưỡng các yêu cầu của Mỹ cũng như các vấn đề chính trị và an ninh nhạy cảm ở trong nước”.

Dù không nêu cụ thể yêu cầu của Washington, nhưng ông Yeo cho biết sẽ lưu ý việc các nhà lập pháp Mỹ bày tỏ quan ngại về quy định kỹ thuật số của Hàn Quốc. Quốc hội Hàn Quốc hiện đang xem xét một số dự luật để quản lý các công ty internet đang thống trị thị trường thương mại điện tử, công cụ tìm kiếm và giao đồ ăn trực tuyến tại nước này.

Chia sẻ của ông Yeo được đưa ra vài ngày sau khi Mỹ tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam, làm gia tăng áp lực đạt thỏa thuận đối với Seoul. Anh hiện cũng đã đạt được thỏa thuận với Mỹ. Còn Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung với chính quyền Tổng thống Trump.

Thứ Năm tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc cho biết ưu tiên của ông là gia hạn thời hạn chót 9/7 bằng cách giải thích với phía Mỹ rằng chính phủ của Tổng thống Lee Jae Myung cần thêm thời gian đẻ giải quyết các vấn đề bởi ông  mới chỉ nhậm chức được khoảng 1 tháng. Tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc cũng nói rằng việc đạt thỏa thuận trước thời hạn 9/7 “rất khó”.

Dù bày tỏ sẵn sàng nhượng bộ Mỹ về các rào cản phi thuế quan, bao gồm các quy định và luật pháp, nhưng ông Yeo khẳng định sẽ tập trung vào bảo vệ các khu vực tư nhân, đồng thời gọi đây là “lằn ranh đỏ”.

Với việc ông Trump ấn định mức thuế quan 25% với Hàn Quốc từ ngày 1/8, hiện chưa rõ chiến lược trên của Seoul có mang lại hiệu quả hay không.

ÁP LỰC LỚN VỚI CHÍNH QUYỀN MỚI

Ngày 7/7, Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết ông Yeo đã có một cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer tại Washington vào ngày 6/7 và đề nghị hai bên hợp tác trong lĩnh vực sản xuất. Ông Yeo cũng nhấn mạnh rằng một thỏa thuận thương mại Mỹ - Hàn Quốc cần phải dỡ bỏ hoặc giảm thuế quan với ô tô và thép Hàn Quốc. Hiện tại, Mỹ đang áp mức thuế quan 25% với ô tô và 50% với thép nhập khẩu.

Ô tô là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc vào Mỹ với kim ngạch 34,7 tỷ USD năm ngoái, theo sau là con chip với kim ngạch 10,7 tỷ USD. Hàn Quốc là quê hương của các nhà sản xuất ô tô lớn như Hyundai Motor Group cũng như các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới như Samsung Electronics và SK Hynix. Năm 2024, Hàn Quốc thặng dư thương mại 55,6 tỷ USD với Mỹ, tăng từ mức 44,4 tỷ USD của năm 20243.

Việc tham gia vào dự án khai thác khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại tiểu bang Alaska của Mỹ đã được nêu ra tại Quốc hội Hàn Quốc. Trước đó, Mỹ hiện yêu cầu Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan tham gia vào dự án trị giá 44 tỷ USD. Các nhà lập pháp Hàn Quốc hiện yêu cầu Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng khả năng sinh lời từ dự án này

“Dự án này rất rủi ro”, nghị sĩ Park Jee-hye thuộc Đảng Dân chủ Hàn Quốc cầm quyền nhận xét. “Chúng ta không cần phải tham gia dự án nếu nó không mang lại lợi nhuận hoặc gây thua lỗ”.

Ngành đóng tàu là một lĩnh vực khác mà Mỹ muốn hợp tác với Hàn Quốc bởi ông Trump đang đặt mục tiêu hồi sinh sự thống trị trong lĩnh vực hàng hải của Mỹ. Hiện tại, Hàn Quốc đang có những công ty đóng tàu hàng đầu thế giới như HD Hyundai và Hanwha Ocean. Đây là những công ty đủ khả năng cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa đội tàu cho Hải quân Mỹ.

Trong một bài xã luận đăng tải ngày 8/7, tờ báo Korea Economic Daily cho rằng áp lực lớn đang đè nặng lên tân Tổng thống Hàn Quốc - người mới nhậm chức hôm 4/6. cho rằng áp lực đang đè nặng lên Lee, nhà lãnh đạo mới.

“Chính phủ nên dành mọi nỗ lực để kết hợp vấn đề thuế quan với việc hợp tác công nghệ và công nghiệp để đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi”, tờ báo viết. “Không còn nghi ngờ gì nữa, các cuộc đàm phán thuế quan là một thử thách lớn đối với chính quyền Tổng thống Lee Jae Myung”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate