January 10, 2025 | 08:27 GMT+7

Hàn Quốc khẳng định vị thế "cường quốc mỹ phẩm"

Minh Nguyệt -

Mỹ phẩm Hàn Quốc hay còn gọi là K-beauty đã đạt được sự công nhận toàn cầu, vượt qua các thương hiệu Pháp như Chanel và Lancôme để trở thành mặt hàng mỹ phẩm nhập khẩu số 1 tại Mỹ và Nhật Bản…

Ảnh: The Investor
Ảnh: The Investor

Xuất khẩu mỹ phẩm của Hàn Quốc đã đạt 10,2 tỷ USD vào năm 2024, tăng 20,6% so với năm 2023, đánh dấu cột mốc quan trọng đối với ngành công nghiệp làm đẹp của nước này. Theo hãng tin Yonhap, trong thông báo ngày 6/1, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cho biết Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mỹ phẩm Hàn Quốc lớn nhất, với giá trị mua hàng đạt 2,5 tỷ USD, tiếp theo là Mỹ với 1,9 tỷ USD và Nhật Bản với 1 tỷ USD.

Đặc biệt, các thương hiệu Hàn Quốc vượt qua Pháp để chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường mỹ phẩm nhập khẩu của Mỹ và Nhật Bản. Bộ trưởng An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc, Oh Yu Kyoung, khẳng định chính phủ nước này sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác thương mại nhằm hỗ trợ các công ty trong nước duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu mỹ phẩm, đồng thời đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn tại Mỹ và Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới và hỗ trợ các thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng đẳng cấp thế giới để đáp ứng các đánh giá về an toàn tại các quốc gia như Trung Quốc và Hoa Kỳ”, Bộ trưởng MFDS Oh Yu-Kyoung nói. Dữ liệu của Cục Hải quan Hàn Quốc cũng ghi nhận kỷ lục mới khi Hàn Quốc chính thức xuất khẩu các sản phẩm làm đẹp sang 175 quốc gia khác nhau trong năm 2024. Khối lượng mỹ phẩm của Hàn Quốc xuất sang 110 nước cũng đạt mức cao kỷ lục.

Các thương hiệu Hàn Quốc vượt qua Pháp để chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường mỹ phẩm nhập khẩu của Mỹ và Nhật Bản.
Các thương hiệu Hàn Quốc vượt qua Pháp để chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường mỹ phẩm nhập khẩu của Mỹ và Nhật Bản.

Theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc chiếm 22,2% thị phần mỹ phẩm nước này, cao hơn 16,3% của các công ty Pháp. Tại Nhật Bản, các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc đã giữ vững vị trí hàng đầu trong thị trường mỹ phẩm nhập khẩu trong ba năm liên tiếp tính đến năm 2024. Các công ty Hàn Quốc chiếm 28,8% thị phần tại Nhật Bản, trong khi các công ty Pháp chiếm 25,1%.

Báo Korea Herald dẫn dữ liệu từ Chính phủ Hàn Quốc cho thấy xuất khẩu mỹ phẩm dưỡng da sang Mỹ tăng hơn gấp ba lần, lên 815,1 triệu USD năm 2024 so với 231,9 triệu USD năm 2020. Xuất khẩu mỹ phẩm trang điểm màu sắc sang Mỹ tăng hơn gấp đôi, lên 267,8 triệu USD so với 124 triệu USD cùng kỳ. Xuất khẩu mỹ phẩm trang điểm màu sang Nhật Bản tăng 1,6 lần, lên 316,6 triệu USD so với 196,9 triệu USD cùng kỳ, trong khi xuất khẩu mỹ phẩm dưỡng da cơ bản sang Nhật Bản tăng 1,3 lần, lên 258,4 triệu USD so với 202 triệu USD.

Các nhà phân tích cho rằng sự gia tăng nhu cầu về mỹ phẩm dưỡng da Hàn Quốc tại Mỹ là nhờ sự quan tâm ngày càng tăng đối với mỹ phẩm chức năng, chẳng hạn như các sản phẩm chống lão hóa hay sản phẩm dưỡng trắng da. Trong khi đó, tại Nhật Bản, các thần tượng K-pop đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng thế hệ thế hệ Millennials và Gen Z, bắt chước phong cách trang điểm của các nữ diễn viên Hàn Quốc.

Xuất khẩu mỹ phẩm của Hàn Quốc trước đó đạt đỉnh điểm 9,2 tỷ USD năm 2021, sau đó giảm xuống 8 tỷ USD năm 2022 và 8,5 tỷ USD năm 2023. Những năm gần đây, các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc đang ngày càng nhắm mục tiêu vào thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất thế giới với quy mô thị trường đạt 96,4 tỷ USD vào năm 2022 (theo Viện Phát triển Ngành Công nghiệp Sức khỏe Hàn Quốc). Trung Quốc đứng thứ hai với 71,1 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản với 26,9 tỷ USD.

Kết quả này có được là nhờ sức hút ngày càng lớn của các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc, chẳng hạn như K-pop và K-drama.
Kết quả này có được là nhờ sức hút ngày càng lớn của các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc, chẳng hạn như K-pop và K-drama.

Amorepacific, công ty đã chuyển hướng từ sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong vài năm qua sang tập trung vào thị trường Bắc Mỹ, đã chứng kiến doanh thu tại Mỹ tăng lên 356,2 tỷ won trong quý 3/2024. Một yếu tố quan trọng trong việc chuyển dịch doanh thu này là việc công ty mua lại Cosrx, một thương hiệu Hàn Quốc cũng hoạt động tại Mỹ, vào tháng 5/2024 với giá 935 tỷ won. Cosrx từ lâu đã nổi tiếng với các sản phẩm dành cho da nhạy cảm.

Amorepacific dự định tiếp tục tăng cường các biện pháp quảng cáo, nhắm đến việc thu hút nhu cầu sử dụng mỹ phẩm thông qua sự hợp tác với nhóm nhạc thần tượng BTS và quảng cáo trên giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Tương tự, LG H&H, trước đây là LG Household & Health Care, chuẩn bị ra mắt các sản phẩm dành riêng cho thị trường Bắc Mỹ. LG H&H hiện cũng đang phân phối một số nhãn hiệu của mình tại Mỹ, bao gồm cả belif và The history of Whoo.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết số lượng các nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, lên 4.548 doanh nghiệp vào năm 2023, một số trong đó đang bắt đầu kinh doanh tại thị trường Bắc Mỹ. Kể từ năm ngoái, một số sản phẩm K-beauty đã đứng đầu bảng xếp hạng doanh số mỹ phẩm trong sự kiện Prime Day, với các thương hiệu như Cosrx dẫn đầu. Các sản phẩm bán chạy khác của Hàn Quốc trên Amazon bao gồm Beauty Selection, VT Co., Goodal, Tirtir, Anua, d'Alba và Beauty of Joseon.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu U.K. Euromonitor, một yếu tố thuận lợi khác cho các doanh nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc tại Mỹ là sự tăng trưởng của thị trường này, nơi nhu cầu đầu tư vào chăm sóc da đã tăng mạnh kể từ đại dịch. Mỹ là thị trường mỹ phẩm lớn nhất thế giới trong năm 2023 với giá trị 97,8 tỷ USD và dự kiến sẽ có mức tăng trưởng trung bình hàng năm 2% từ năm 2024 đến năm 2028.

Kể từ năm ngoái, một số sản phẩm K-beauty đã đứng đầu bảng xếp hạng doanh số mỹ phẩm trong sự kiện Prime Day.
Kể từ năm ngoái, một số sản phẩm K-beauty đã đứng đầu bảng xếp hạng doanh số mỹ phẩm trong sự kiện Prime Day.

Tại Việt Nam, sự phổ biến của phim ảnh và âm nhạc Hàn Quốc đã giúp tăng mức độ tin cậy đối với hàng tiêu dùng Hàn Quốc, nhờ đó, mỹ phẩm Hàn Quốc có cơ hội tiếp cận thị trường một cách mạnh mẽ. Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, xuất khẩu mỹ phẩm hàng năm của Hàn Quốc sang Việt Nam trong năm 2023 tăng 122% so với năm 2019, ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 22,14%. Việt Nam cũng là quốc gia nhập khẩu mỹ phẩm Hàn Quốc nhiều thứ tư với 150 triệu USD trong quý 1/2024, sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Đại diện cụm công nghiệp Namdong, nơi tập trung hơn 215 công ty mỹ phẩm Hàn Quốc, nhấn mạnh rằng Việt Nam là thị trường mục tiêu quan trọng. Với tỷ lệ phụ nữ sử dụng sản phẩm làm đẹp tăng từ 76% (2018) lên 86% (2022), ngành mỹ phẩm Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 15 - 20% mỗi năm.

Ông Lim Young-ho, giám đốc công ty mỹ phẩm và thực phẩm Skineralism, nhấn mạnh rằng mức giá phù hợp là yếu tố quan trọng khi chinh phục người tiêu dùng Việt Nam. Công ty dự kiến ra mắt các sản phẩm có giá khoảng 10.000 won (tương đương 180.000 đồng), với thiết kế bao bì và dung lượng dành riêng cho thị trường này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate