August 22, 2015 | 23:56 GMT+7

Hàn-Triều gặp mặt, căng thẳng hạ nhiệt

An Huy

Thời hạn mà Triều Tiên đưa ra trong tối hậu thư đã qua đi mà không có va chạm giữa hai bên

Binh sỹ Hàn Quốc làm nhiệm vụ ở biên giới giữa hai miền Triều Tiên ngày 22/8 - Ảnh: Reuters.<br>
Binh sỹ Hàn Quốc làm nhiệm vụ ở biên giới giữa hai miền Triều Tiên ngày 22/8 - Ảnh: Reuters.<br>
Các trợ lý cấp cao của hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc ngày 22/8 đã có cuộc gặp tại ngôi làng đình chiến Panmujon ở biên giới giữa hai miền. Mục đích của cuộc gặp là làm giảm tình trạng căng thẳng leo thang mấy ngày qua đặt hai miền bán đảo trước nguy cơ xung đột quân sự.

Hãng tin Reuters cho biết, cuộc gặp được lên lịch diễn ra nửa giờ đồng hồ sau thời hạn mà Bình Nhưỡng đưa ra trong tối hậu thư trước đó đòi Seoul dừng các chương trình phát thanh tuyên truyền mà Triều Tiên cho là “nói xấu” nước này ở khu vực biên giới.

Trong tối hậu thư, Triều Tiên cảnh báo nếu không tuân theo yêu cầu này, Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với hành động quân sự.

Thời hạn mà Triều Tiên đưa ra trong tối hậu thư đã qua đi mà không có va chạm giữa hai bên.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã tăng cao từ vụ đấu pháo giữa hai miền hôm thứ Năm tuần trước. Liên hiệp quốc, Mỹ và Trung Quốc đều đã lên tiếng kêu gọi hai bên kiềm chế sau vụ đấu pháo này.

Một quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết, quân đội nước này vẫn đang ở trong tình trạng cảnh giác cao, bất chấp thông tin về cuộc gặp giữa các quan chức hai miền.

Tham gia cuộc gặp nói trên bên phía Hàn Quốc có cố vấn an ninh quốc gia và Bộ trưởng Bộ Thống nhất; về phía Triều Tiên có ông Hwang Pyong So, trợ lý quân sự cấp cao của ông Kim Jong Un, và một vị quan chức cấp cao khác phụ trách vấn đề quan hệ liên Triều.

“Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí duy trì tiếp xúc liên quan đến tình hình hiện nay trong quan hệ giữa hai miền”, ông Kim Kyou-hyun, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Parke Geun-hye, phát biểu trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp.

Theo ông Kim, Bình Nhưỡng đã đưa ra đề xuất trước vào ngày 21/8 về một cuộc gặp giữa hai bên, và Seoul đưa ra đề xuất vào ngày 22/8, đề nghị có sự tham gia của ông Hwang trong cuộc gặp.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cũng công bố cuộc họp này, gọi Hàn Quốc với cái tên Đại Hàn Dân quốc - một sự công nhận hiếm hoi của Bình Nhưỡng đối với nhà nước Hàn Quốc - khác hẳn với giọng điệu thù địch trong mấy ngày gần đây.

“Họ cần phải đạt tới một dạng thỏa thuận nào đó để hai bên cùng giữ được thể diện. Đó sẽ là điểm mấu chốt của vấn đề”, nhà nghiên cứu James Kim thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul phát biểu. “Triều Tiên có thể yêu cầu chấm dứt các chương trình phát thanh tuyên truyền của Hàn Quốc và hai bên có thể rơi vào bế tắc trong vấn đề này”.

“Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang tiến gần tới bờ vực chiến tranh do những hành động gây hấn bất cẩn của giới diều hâu quân sự ở Hàn Quốc”, bản tin của KCNA trước đó nói.

Về phần mình, Seoul tuyên bố sẽ tiếp tục các chương trình phát thanh nói trên trừ phi Bình Nhưỡng nhận trách nhiệm về vụ nổ mìn hồi đầu tháng này ở khu phi quân sự giữa hai miền khiến hai binh sỹ Hàn Quốc bị thương. Bình Nhưỡng phủ nhận cáo buộc cho rằng Triều Tiên đã cài mìn.

Hôm thứ Sáu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Baek Seung-joo nói Chính phủ nước này dự kiến Triều Tiên sẽ nã đạn vào một vài trong số 11 khu vực mà Seoul đặt loa phát thanh.

Cũng trong ngày thứ Sáu, Mỹ tuyên bố đã nối lại cuộc tập trận quân sự chung thường niên với Hàn Quốc. Cuộc tập trận có tên Ulchi, dự kiến diễn ra từ thứ Hai tuần này cho tới thứ Sáu tuần sau, trước đó đã được tạm dừng sau khi Triều Tiên nã pháo về phía Hàn Quốc. Triều Tiên thường xuyên cáo buộc cuộc tập trận này là hành động chuẩn bị cho chiến tranh.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate