Tập đoàn năng lượng khổng lồ BP của Anh ngày 27/2 tuyên bố sẽ thoái toàn bộ 19,75% cổ phần đang nắm giữ tại Rosneft - công ty dầu khí thuộc sở hữu của Chính phủ Nga.
Đây là động thái lớn nhất đến nay của một doanh nghiệp phương Tây nhằm phản ứng với xung đột Nga – Ukraine.
Ông Bernard Looney, CEO của BP và cựu giám đốc Bob Dudley cũng rút khỏi hội đồng quản trị của Rosneft, quyết định có hiệu lực ngay lập tức. Ông Looney là thành viên hội đồng quản trị của Rosneft từ năm 2020, còn ông Dudley giữ vị trí này từ năm 2013.
Theo BP - tập đoàn đã hoạt động ở Nga hơn 30 năm, xung đột vũ trang do Nga khởi xướng gần đây tại Ukraine đã khiến công ty buộc phải đánh giá lại mối quan hệ với Rosneft.
“Hành động quân sự này cho thấy sự thay đổi về căn bản, khiến hội đồng quản trị của BP, sau quá trình xem xét kỹ lưỡng, đã kết luận rằng sự liên hệ giữa chúng tôi với Rosneft - một công ty thuộc sở hữu của Chính phủ Nga - đơn giản không thể tiếp tục nữa”, Chủ tịch của BP, ông Helge, cho biết trong một tuyên bố.
Rosneft hiện chiếm khoảng 50% dự trữ dầu khí và khoảng hơn 30% sản lượng của BP trong năm 2021. BP hiện chưa tiết lộ kế hoạch tự khai thác dầu khí của mình. Tập đoàn Anh cho biết việc thoái vốn khỏi Rosneft khiến BP phải thực hiện bút toán giảm giá trị tài sản (write-down) lên tới 25 tỷ USD.
Tập đoàn này nhấn mạnh rằng việc thoái vốn khỏi Rosneft và tác động tài chính của việc này sẽ không ảnh hưởng tới các mục tiêu tài chính trong ngắn và dài hạn của mình với chiến lược chuyển đổi từ dầu và khí tự nhiên sang các loại nhiên liệu ít phát thải carbon và năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích đầu tư cấp cao Susannah Streeter của hãng môi giới chứng khoán Anh Hargreaves Lansdown, việc ghi giảm giá trị tài sản với quy mô lớn như vậy “sẽ ít nhiều hạn chế khả năng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của BP”.
Theo tờ WSJ, BP trước đó đối mặt áp lực lớn từ Chính phủ Anh nhằm buộc công ty này rút cổ phần khỏi Rosneft. Các quan chức Anh cũng cáo buộc Rosneft là một trong những nhân tố thúc đẩy các hành động của Kremlin nhằm vào Ukraine.
Chia sẻ trên Twitter, Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh, Kwasi Kwarteng, cho biết ông hoan nghênh quyết định của BP.
“Hành động vô cớ của Moscow nhằm Ukraine phải là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp Anh đang có lợi ích thương mại ở nước Nga”, ông Kwarteng nói.
Về phía Rosneft, công ty này nói rằng quyết định của BP được đưa ra “do áp lực chính trị chưa có tiền lệ” và 30 năm hợp tác thành công của hai bên đã bị hủy hoại. Rosneft là tập đoàn quốc doanh lớn thứ hai về doanh thu và là hãng dầu khí lớn nhất về sản lượng tại Nga.
Giới phân tích nhận định, động thái nhanh chóng của BP – nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga – gây chú ý lớn đối với các công ty năng lượng khác của phương Tây đang hoạt động tại Nga, trong đó có TotalEnergies của Pháp và Shell của Anh, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Moscow. Động thái này cũng cho thấy áp lực ngày càng lớn của các chính phủ với doanh nghiệp của mình, buộc họ phải cắt giảm hoạt động tại Nga trong bối cảnh phương Tây đang gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow.
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere ngày 27/2 cho biết Norway Government Pension Fund - quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới của Na Uy với – sẽ thoái vốn khỏi các tài sản ở Nga sau động thái quân sự của Moscow tại Ukraine. Tính tới cuối năm 2020, quỹ này nắm giữ 6,7 tỷ Crown (gần 300 triệu USD) trái phiếu Chính phủ Nga và 23,3 tỷ Crown (hơn 1 tỷ USD) cổ phiếu doanh nghiệp Nga.
“Với tình hình hiện tại, các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu có tài sản tại Nga sẽ phải cân nhắc đưa ra động thái tương tự như BP”, nhà phân tích Henning Gloystein của Eurasia Group nhận định.