May 12, 2022 | 08:46 GMT+7

Hãng dầu lửa vùng Vịnh “soán ngôi” công ty đắt giá nhất thế giới của Apple

An Huy -

Đây là một minh chứng nữa cho sức mạnh của cổ phiếu dầu khí giữa lúc cổ phiếu công nghệ bị bán tháo ở Phố Wall…

Ảnh minh hoạ - Ảnh: NYT.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: NYT.

Saudi Aramco, công ty dầu lửa quốc doanh khổng lồ của Saudi Arabia, đã vượt qua hãng công nghệ Mỹ Apple để trở thành công ty đại chúng có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới. Giá dầu tăng bùng nổ thời gian qua đã đưa giá cổ phiếu Saudi Aramco không ngừng đi lên, trong khi lạm phát leo thang khiến giá cổ phiếu công nghệ như Apple giảm mạnh.

Theo hãng tin Bloomberg, trong phiên giao dịch ngày 11/5, cổ phiếu Aramco đạt gần mức cao nhất mọi thời đại, đưa giá trị vốn hoá của hãng lên mức khoảng 2,43 nghìn tỷ USD. Đây là lần đầu tiên vốn hoá Aramco vượt Apple kể từ năm 2020.

Cổ phiếu của nhà sản xuất điện thoại iPhone giảm 5,2%, đóng cửa ở mức 146,5 USD/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hoá 2,37 nghìn tỷ USD.

Cho dù sự “đổi ngôi” có không bền vững và Apple có lấy lại được ngôi vị số 1, thì diễn biến này cũng phản ánh sức mạnh của những lực lượng đang xung đột trong nền kinh tế toàn cầu.

Giá dầu tăng vọt - dù mang lại lợi nhuận “khủng” cho Saudi Aramco - đẩy lạm phát lên cao, buộc các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất. Tuần trước, Fed có động thái nâng lãi suất mạnh nhất 2 thập kỷ nhằm kiềm chế sự leo thang của giá cả. Khi lãi suất tăng, nhà đầu tư giảm triển vọng về giá trị dòng doanh thu tương lai của các công ty công nghệ, từ đó khiến cổ phiếu của các công ty này mất giá mạnh.

“Bạn không thể so sánh Apple với Saudi Aramco, cả về hoạt động kinh doanh hay các yếu tố nền tảng của hai công ty. Nhưng triển vọng của lĩnh vực hàng hoá cơ bản đã khởi sắc. Aramco hưởng lợi từ lạm phát và sự thắt chặt nguồn cung dầu”, Giám đốc đầu tư James Meyer của Tower Bridge Advisors phát biểu.

Cuộc "đổi ngôi" vốn hoá Apple và Saudi Aracom. Đơn vị: nghìn tỷ USD.
Cuộc "đổi ngôi" vốn hoá Apple và Saudi Aracom. Đơn vị: nghìn tỷ USD.

Đầu năm nay, Apple đạt giá trị vốn hoá 3 nghìn tỷ USD, cao hơn khoảng 1 nghìn tỷ USD so với vốn hoá của Aramco. Nhưng sau đó, vốn hoá của “táo khuyết” giảm gần 20%, trong khi vốn hoá của Aramco tăng 28%.

Với khả năng Fed tiếp tục nâng mạnh lãi suất trong năm nay, với tổng mức tăng dự báo là ít nhất 150 điểm phần trăm trong thời gian còn lại của năm, và chưa có một giải pháp trước mắt nào cho cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, cổ phiếu công nghệ sẽ còn chật vật một thời gian nữa – theo chiến lược gia cấp cao Tim Ghriskey của Ingalls & Snyder.

“Cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu có mức định giá cao khác bị bán tháo. Tiền từ đó có vẻ đổ nhiều vào cổ phiếu năng lượng, vì nhóm này đang có triển vọng hấp dẫn, xét tới đà tăng của giá hàng hoá cơ bản”, ông Ghriskey phát biểu. “Những công ty như Aramco đang hưởng lợi nhiều từ môi trường này”.

“Vận đen” của cổ phiếu công nghệ năm nay xuất hiện trong bối cảnh mối lo về lạm phát và sự cứng rắn của Fed. Ngoài ra, kết quả kinh doanh gần đây của Apple cũng cho thấy những thách thức mà hãng phải đối mặt từ tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Dù vậy, Apple vẫn được coi là một cổ phiếu tương đối an toàn trong số các cổ phiếu công nghệ, xét tới sự tăng trưởng doanh thu vững vàng và sức mạnh bảng cân đối kế toán của Apple – hai nhân tố quan trọng giúp hạn chế tốc độ giảm giá cổ phiếu công ty trong năm nay.

Nếu tính từ đầu năm, cổ phiếu Apple đến nay giảm 19,5%, vẫn ít hơn mức giảm 24,8% của chỉ số Nasdaq 100 Index.

Apple hiện vẫn là công ty vốn hoá lớn nhất ở Mỹ. Đứng sau Apple là Microsoft, với mức vốn hoá 1,95 nghìn tỷ USD.

Nhóm cổ phiếu năng lượng trong S&P 500 đã tăng 40% trong năm nay, khi giá dầu Brent tăng từ 78 USD/thùng vào đầu năm lên 108 USD/thùng hiện nay. Occidental Petroleum Corp. là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong S&P 500 từ đầu năm, với mức tăng hiện đạt 107%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate