"Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ cương quyết thu lại những dự án mà doanh nghiệp chây ỳ không thực hiện, vi phạm những quy định của Luật Đất đai nhưng không khắc phục; đối với các diện tích đất mà nhà nước đã phê duyệt đưa vào sử dụng, thành phố sẽ đảm bảo quyền lợi cao nhất của nhân dân, của doanh nghiệp, rồi sau cùng mới là lợi ích của nhà nước".
Đó là khẳng định của Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng tại phiên chất vấn của Hội đồng Nhân dân thành phố ngày 9/7 về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Thủ đô.
Xử lý dự án vi phạm chậm do chính sách thay đổi
Theo đại biểu Vũ Ngọc Anh, từ tháng 9/2018, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện liên quan khẩn trương rà soát, dừng triển khai và chấm dứt hoạt động 47 dự án vi phạm. Theo báo cáo của hai Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay, đã dừng được 40/47 dự án, trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chấm dứt được 33/39 dự án thuộc trách nhiệm của Sở. Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi được 7/8 dự án thuộc trách nhiệm của Sở.
Như vậy, còn 7 dự án chưa thực hiện thu hồi đất và thu hồi dự án, trong đó, có 1 dự án được điều chỉnh kế hoạch để tiếp tục triển khai, tức là đến thời điểm tháng 6/2019, còn 6 dự án chưa thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thường trực Hội đồng Nhân dân và Chủ tịch UBND thành phố.
Đại biểu Vũ Ngọc Anh đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân và thời gian dừng thực hiện đối với 6 dự án còn lại này?
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Vân Hoa đặt câu hỏi, qua giám sát, có 38/78 dự án vi phạm đất có quyết định thu hồi đất với diện tích 990,4ha. Đến nay, còn 18 dự án chưa được thu hồi trên thực địa. Đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết kế hoạch xử lý của UBND thành phố đối với 18 dự án này? Bao giờ mới thu hồi?
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân, làm rõ vấn đề trách nhiệm và các biện pháp để xử lý đối với 26 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Sở này được giao nhiệm vụ rà soát lại 47 dự án mà Chủ tịch UBND thành phố có chỉ đạo giải trình. Trong đó, có 8 dự án nhà ở thuộc địa bàn huyện Mê Linh, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì; còn 39 dự án giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát và tham mưu, xử lý. Trong 39 dự án, đến nay, có 33 dự án, Sở đã cùng các ngành, địa phương rà soát, báo cáo UBND thành phố, có hướng xử lý.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua quá trình rà soát, một số dự án có tính pháp lý chưa đủ, các sở ngành, địa phương chưa chủ động, nhiều chủ đầu tư chây ỳ, chưa nghiêm túc thực hiện, không báo cáo.
Trong khi đó, việc xử lý chậm tiến độ phải thực hiện đúng trình tự, xác định đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân gặp nhiều khó khăn do kéo dài, thay đổi chính sách đất đai, quy hoạch, chính sách giải phóng mặt bằng.
Vì vậy, để chấm dứt hoạt động của dự án cần phải cân nhắc, đối chiếu sai phạm, phù hợp quy định pháp luật để có cơ sở thu hồi, bởi một số dự án đang trong quá trình thanh tra, chờ kết luận thanh tra, có dự án chờ điều chỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên vẫn phải chờ kết quả cuối cùng.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, đối với 18 dự án vi phạm mà thành phố đã có quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, các chủ đầu tư vi phạm việc bồi thường hỗ trợ theo quy định khi nhà nước thu hồi đất, khi rà soát lại cho thấy, các trường hợp này chậm thực hiện giải phóng mặt bằng.
Đối với 26 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Sở đã tổ chức thuê tư vấn, xác định nghĩa vụ tài chính với 23 dự án, chủ đầu tư đã nộp tiền theo quy định. Còn 3 dự án gồm: Bãi đỗ xe công cộng ở Phùng Khoang, đang đôn đốc giải phóng mặt bằng; với dự án Công ty Cổ phần lắp máy ở Phú Thượng và dự án ở 275 Nguyễn Trãi (Công ty Hưng Việt), Sở đã thuê tư vấn, trong tuần tới sẽ triển khai.
Dự án vi phạm, trách nhiệm sở ngành ra sao?
Liên quan đến các dự án chưa được triển khai, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh cho biết, theo báo cáo của UBND thành phố, hiện còn 65/89 dự án vi phạm nhưng chưa được khắc phục. Các dự án này đã được kiến nghị từ năm 2012, đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết quan điểm xử lý đối với các dự án trên và bao giờ xử lý xong các dự án này?
Đáng chú ý, đại biểu Hồ Vân Nga nêu vấn đề về hướng giải quyết và trách nhiệm của các quận huyện, sở ngành đối với 5 dự án có dấu hiệu vi phạm buộc phải dừng do nhiều nguyên nhân nhưng qua báo cáo thì đến nay không liên lạc được với chủ đầu tư, gồm dự án ở lô đất 13 khu đô thị mới Đại Kim, Định Công - quận Hoàng Mai, dự án ở 75 Phương Mai - quận Đống Đa và 3 dự án ở huyện Thạch Thất.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho biết, trong tổng số 50 dự án còn nợ 4.200 tỷ đồng tiền sử dụng đất, có 1 dự án kéo dài rất lâu tại Sơn Tây (từ năm 2008 được giao đất, 2009 xác định giá trị thu tiền sử dụng đất) là dự án tiểu khu nhà ở của Công ty Á Châu, đến nay, mất khả năng thanh toán, đã được gia hạn do khó khăn từ năm 2012. Tuy nhiên, dự án đến nay đã hết khả năng thanh toán, 3 lần Cục Thuế đã cưỡng chế tài khoản nhưng không có để thực hiện, đề nghị kê biên tài sản…
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, về dự án khu nhà ở Đồi Dền do Công ty Á Châu làm chủ đầu tư, đã xây dựng được 5 căn nhà nhưng mới nộp ngân sách được 48 tỷ đồng, tổng số tiền nợ gốc lãi của doanh nghiệp hiện đã lên đến 486 tỷ đồng, doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán. Do đó, doanh nghiệp đã kiến nghị với thành phố chấp hành bị thu hồi lại đất, chỉ đề xuất được sử dụng phần đất tương ứng với số tiền đã nộp.
Đối với 65 dự án chậm triển khai quá lâu mà đại biểu Hoàng Thị Tú Anh nêu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, 59 dự án đang khắc phục, triển khai xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng… Còn 6 dự án không khắc phục thì 5 dự án Sở đã tham mưu thành phố cho thu hồi đất; 1 dự án cho gia hạn thực hiện.
Trả lời chất vấn, Cục Trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, liên quan đến 80 dự án đã giao đất sau đó điều chỉnh quy hoạch, trong đó có 21 dự án đã hoàn chỉnh nghĩa vụ tài chính, 59 dự án nợ tiền thuê đất, đến nay, chỉ còn 4 dự án nợ tiền thuê đất. Đối với 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thành phố đã có văn bản chỉ đạo chi tiết chỉ đạo Cục Thuế phối hợp với các sở, ngành liên quan, phân loại các dự án này để có những biện pháp xử lý cụ thể.
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sẽ giao cho các sở ngành để trả lời, xử lý. Hiện thành phố đã thu hồi 24 dự án với diện tích khoảng 1.500ha; truy thu 80 dự án có sự điều chỉnh để thu về ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng.