July 15, 2021 | 11:51 GMT+7

Hàng loạt ngân hàng được tăng “room” tín dụng

Các ngân hàng được chấp thuận cho tăng room tín dụng đều là những ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel 2, tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, tích cực cho vay vào lĩnh vực ưu tiên.

Như VnEconomy đã đưa, vào trung tuần tháng 6, Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận đề nghị xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) của khoảng 10 ngân hàng. Đến ngày 14/7, cơ quan này đã có văn bản chấp thuận cho gửi đến các ngân hàng.

Trong đó, có ngân hàng được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 8,5% lên 12,1%; cũng có ngân hàng được nới từ 10,5% lên 15%...

Được biết, các ngân hàng được chấp thuận cho tăng room tín dụng đều là những ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel 2, tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, tích cực cho vay vào lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, đi cùng việc chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thực hiện tốt các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống và góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Cụ thể, ngân hàng được yêu cầu cấp tín dụng với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước  về các giải pháp hoạt động tín dụng trong năm 2021.

Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng, tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay. Chấp hành các quy định pháp luật về tỷ lệ đảm bảo an toàn, giới hạn cấp tín dụng với khách hàng, quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng , thực hiện thẩm định khách hàng chặt chẽ trước cho vay, tăng cường kiểm tra giám sát khi cho vay và sau cho vay để đảm bảo chất lượng tín dụng và hạn chế phát sinh nợ cần chú ý, nợ xấu. 

Cùng đó, các ngân hàng còn phải tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán… Giảm dần tỷ trọng cho vay với bất động sản, tăng cường quản lý ro với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ cho vay ngoại tệ.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu các ngân hàng kiểm soát  chặt chẽ các rủi ro trong hoạt động, đặc biệt là rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Trước đó, tại buổi họp báo công bố kết quả hoạt động ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2021, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trần hạn mức tín dụng là công cụ điều hành quan trọng, góp phần quản lý chất lượng tín dụng. Vì Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng ngân hàng để giao hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp.

Mục tiêu quan trọng hơn của chính sách tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô. Với quy mô tín dụng đang chiếm trên 140% GDP hiện nay, tức nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng, nên nếu bỏ trần hạn mức sẽ gây ra nhiều bất ổn.

"Nếu không quản lý tốt việc tăng trưởng này một cách hài hòa, hợp lý thì nó sẽ tạo ra sự bất ổn với các ngân hàng thương mại. Cứ hình dung 1 năm tín dụng tăng vài chục phần trăm, ồ ạt đưa ra chất lượng tín dụng không đảm bảo, chỉ 1 - 2 năm, nợ xấu lại dâng lên, thì bất ổn ngay, nên phải kiểm soát, vừa đảm bảo cung ứng vốn, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate