Chi phí sản xuất tại Trung Quốc đang tăng lên do các nhà máy nâng lương cho công nhân. Điều này rất có thể sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc không còn rẻ nữa.
Theo tờ New York Times, các nhà máy khu vực duyên hải của Trung Quốc đang tăng lương theo giờ cho công nhân. Chính quyền các địa phương đang nâng mức lương tối thiểu. Và nếu Trung Quốc nâng giá đồng Nhân dân tệ vào cuối năm nay, thì như dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế, chi phí sản xuất tại nước này chắc chắn sẽ tăng lên.
Lương công nhân tại các nhà máy ở Trung Quốc hiện vẫn thấp so với ở Mỹ và châu Âu: Lương công nhân tính theo giờ tại khu vực miền Nam chỉ khoảng 75 xu/giờ. Nhưng theo các nhà kinh tế học, việc tăng lương ở đây sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới khắp nền kinh tế toàn cầu, khiến giá cả các mặt hàng đồng loạt tăng lên, từ áo phông, giày đế mềm, cho đến máy chủ, điện thoại di động thông minh.
“Trong suốt một thời gian dài, Trung Quốc là nơi kiềm chế lạm phát toàn cầu”, ông Dong Tao, một chuyên gia kinh tế tại Credit Suisse, nhận xét. Ông ám chỉ tới việc việc chuyển dịch sản xuất sang Trung Quốc trong suốt hai thập niên vừa qua, đã giúp cho nhiều công ty trên thế giới tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. “Nhưng kỷ nguyên đó có lẽ bắt đầu kết thúc”.
Điển hình cho vấn đề này là mới đây, tập đoàn Foxconn (còn nổi tiếng dưới cái tên Hồng Hải), một trong những hãng gia công thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, như điện thoại iPhone của Apple hay các linh kiện máy tính Dell, cho biết bắt đầu từ tháng 10 tới sẽ tăng gấp đôi lương cho phần lớn trong số 800.000 công nhân của hãng tại Trung Quốc. Trung bình lương tháng sẽ là 2.000 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 300 USD theo tỷ giá hiện tại.
Thông báo này được đưa ra sau hàng loạt vụ tự tử xảy ra tại hai nhà máy của Foxconn ở miền nam Trung Quốc và tập đoàn này phải hứng chịu vô số lời chỉ trích nhằm vào điều kiện lao động. Theo Foxconn, mục đích của việc tăng lương là để cải thiện đời sống của các công nhân làm việc trong những nhà máy thuộc tập đoàn có trụ sở chính ở Đài Loan này.
Trước tuyên bố của Foxconn không lâu, hãng sản xuất ôtô Honda của Nhật Bản cũng đã đồng ý nâng lương cho 1.900 công nhân tại các nhà máy của hãng này ở miền Nam Trung Quốc, lên thêm từ 24 đến 32%, với hy vọng chấm dứt cuộc đình công đã kéo dài suốt 2 tuần. Theo đó, mức lương trung bình hàng tháng sẽ là 300 USD, chưa bao gồm tiền công làm thêm giờ.
Đầu tháng 6, thủ đô Bắc Kinh tuyên bố sẽ nâng lương tối thiểu hàng tháng tại thành phố này thêm 20%, lên 960 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 140 USD. Dự kiến nhiều thành phố khác cũng sẽ đưa ra các quyết định tương tự như Bắc Kinh.
Giới phân tích cho rằng, những thay đổi trên là kết quả từ sức ép ngày càng tăng của công nhân Trung Quốc, đồng thời đó cũng là một phản ứng trước việc giá thực phẩm và nhà đất tăng vọt. Trước khi được tăng lương, những người công nhân này đã phải làm việc 6 tới 7 ngày một tuần và chỉ kiếm được khoảng 200 USD/tháng.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều lý do khác. Giới phân tích cho rằng, Bắc Kinh đang ủng hộ việc tăng lương như một cách kích thích tiêu dùng nội địa và giúp Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào việc xuất khẩu hàng hóa giá rẻ. Chính phủ hy vọng, việc này sẽ buộc các công ty xuất khẩu đầu tư nhiều hơn cho các sáng kiến mới hoặc sản xuất những mặt hàng giá trị cao hơn.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng ủng hộ tăng lương, bởi việc này có thể làm giảm bớt khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo.
Thêm vào đó, nhiều hãng sản xuất lớn tăng lương là để thu hút thêm người lao động mới, giữa lúc nhiều thành phố công nghiệp duyên hải đang vật lộn với tình trạng thiếu lao động. Một giám đốc của Foxconn cho biết, tỷ lệ thay thế công nhân tại hai nhà máy ở Thâm Quyến (nơi có hơn 400.000 lao động đang làm việc) vào khoảng 5% mỗi tháng. Điều đó có nghĩa là, khoảng 20.000 công nhân bỏ việc mỗi tháng và cần phải được thay thế.
Marshall W. Meyer, một chuyên gia về Trung Quốc tại trường Đại học Pennsylvania (Mỹ), cho biết, sự thay đổi nhân khẩu học tại Trung Quốc đang làm giảm bớt nguồn cung sức trẻ vào lực lượng lao động và khiến nhiều chủ lao động phải tăng lương.
“Cấu trúc nhân khẩu học sẽ làm tăng chi phí hàng hóa của Trung Quốc, điều mà các vòng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế không gây ra”, ông nói. Ông muốn ám chỉ tới các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề tỷ giá Nhân dân tệ và các vấn đề kinh tế khác.
Thêm vào đó, việc chính quyền các địa phương đang nâng dần sức ép đối với các doanh nghiệp, cần phải tuân thủ các quy định về lao động và bảo vệ môi trường, cũng làm tăng chi phí sản xuất. Tuy nhiên, điều làm các công ty đau đầu nhất là khả năng Trung Quốc sẽ nâng giá Nhân dân tệ, khiến giá hàng hóa xuất khẩu của họ trở nên đắt đỏ hơn ở các thị trường quốc tế.
Chính phủ Trung Quốc đã từng cho phép nâng giá Nhân dân tệ. Tuy nhiên, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát vào năm 2008 khiến nhiều nhà máy ở nước này phải đóng cửa, Chính phủ Trung Quốc đã neo Nhân dân tệ vào USD để bảo vệ các nhà xuất khẩu.
Pietra Rivoli, giáo sư về kinh doanh quốc tế tại trường Đại học Georgetown, tác giả cuốn “Chuyến du lịch của chiếc áo phông trong nền kinh tế toàn cầu”, cho rằng những tác động của việc tăng chi phí lao động sẽ là khác nhau ở mỗi ngành công nghiệp.
Các nhà máy sản xuất hàng giá trị thấp như quần áo sẽ bị chuyển dịch sang phía Tây Trung Quốc hoặc Bangladesh. Trong khi, các nhà máy sản xuất hàng điện tử công nghệ cao như điện thoại di động thông minh sẽ vẫn tồn tại, bởi lợi nhuận cao và vì Trung Quốc đã xây dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng và quản lý chất lượng công phu.
Tuy nhiên, theo bà Mary Gallagher, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc trường Đại học Michigan, Trung Quốc sẽ không mất đi nền sản xuất bởi nước này có thị trường nội địa rộng lớn.
“Điều đó sẽ chuyển họ sang sản xuất hàng hóa công nghệ cao. Và điều đó phù hợp với tham vọng của Trung Quốc. Họ không chỉ muốn trở thành công xưởng của thế giới, mà còn muốn là nơi sản xuất hàng công nghệ cao”, bà nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate