Theo dự báo quốc tế, đến năm 2050, kinh tế tài chính toàn cầu có thể thiệt hại tới 38.000 tỷ USD mỗi năm do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nặng nề tới cả các nước phát triển và đang phát triển như Việt Nam.
Tính toán ban đầu của một nghiên cứu quốc tế gần đây cho thấy Việt Nam mất đi khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu. Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.
Trong bối cảnh này và xu hướng phát triển bền vững, tín dụng xanh đang trở thành một lĩnh vực tiềm năng và quan trọng. Tín dụng xanh không chỉ giúp các tổ chức tài chính tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các quỹ quốc tế mà còn góp phần nâng cao uy tín và điểm tín nhiệm của họ.
QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI XANH ĐÒI HỎI NGUỒN TÀI CHÍNH LỚN
Tại hội thảo Đối tác khí hậu toàn cầu 2024 do Công ty quản lý quỹ toàn cầu responsAbility, đơn vị quản lý Quỹ GCPF, tổ chức ở Đà Lạt ngày 16/5, đại diện các ngân hàng cho biết những cơ hội mà tín dụng xanh mang lại bao gồm khả năng tăng tín nhiệm, tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, và phát triển bền vững thông qua việc tạo ra tác động tích cực về môi trường và xã hội. Các ngân hàng mới nhận thấy cơ hội lớn trong việc không chỉ đạt được lợi nhuận trên bảng cân đối kế toán mà còn tạo ra những tác động tích cực về môi trường và xã hội, đảm bảo sự phát triển ổn định bền vững.
Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cũng đã đề cập đến nhiều thách thức trong quá trình triển khai tín dụng xanh, từ quy trình thẩm định phức tạp, chi phí đầu tư ban đầu cao đến những thách thức về thay đổi tư duy và sản phẩm, sự cần thiết phải đào tạo nhân sự chuyên môn và nâng cao nhận thức về tín dụng xanh để thích ứng với các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Ông Bùi Thanh Minh, Trưởng khối Nghiên cứu và Đối thoại chính sách, Văn phòng Ban IV, nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn tài chính lớn. Mặc dù nhu cầu vốn lớn và cơ hội đầu tư phong phú, nhưng việc rót vốn vẫn gặp nhiều khó khăn do các rào cản trong chuyển đổi xanh. Nhiều báo cáo đã cho thấy những trở ngại liên quan đến cải cách hành chính, thuế, tín dụng xanh, và tái chế rác thải, làm chậm quá trình triển khai các dự án xanh.
“Việc vượt qua những rào cản này rất cần thiết để tận dụng cơ hội tín dụng xanh và đảm bảo sự phát triển bền vững”, ông Bùi Thanh Minh cho biết.
Trao đổi bên lề hội thảo với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, bà Hồ Nguyễn Thúy Vy, Phó Tổng Giám đốc của Nam Á Bank, cho biết với Nam Á, đây là bước đầu tiên trong việc xây dựng nền móng cho chiến lược tài chính xanh, khởi đầu từ năm 2018.
“Hợp tác với quỹ responsAbility có nghĩa là chúng tôi đang học hỏi về khái niệm "xanh" là gì, cách đánh giá và giảm phát thải. Đối với chúng tôi, việc tuân thủ các tiêu chuẩn về xanh giống như việc học từ mầm non”, bà Thúy Vy nói và cho biết đến thời điểm hiện tại, các khía cạnh pháp lý tại Việt Nam vẫn chưa được cụ thể hóa đủ để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Chưa có một khung chuẩn xanh cụ thể mà các tổ chức tài chính như chúng tôi có thể áp dụng để biết được làm thế nào là xanh. Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn để tạo ra một khung chuẩn xanh tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp và tổ chức tài chính áp dụng và phát triển các sản phẩm phù hợp với thị trường hiện nay”, lãnh đạo Nam Á Bank nói.
KHÔNG CHỈ CÁC QUỸ TÁC ĐỘNG MÀ CẢ CÁC QUỸ THÔNG THƯỜNG CŨNG ĐANG CHỊU SỨC ÉP VỀ ESG
Ông Bùi Quang Duy, Phó Giám đốc Toàn cầu BP Tài chính Khí hậu mảng Định chế tài chính, Công ty quản lý quỹ toàn cầu responsAbility, nhấn mạnh rằng vấn đề vốn, đặc biệt là vốn từ các tổ chức quốc tế, là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi xanh.
“Hành động chống biến đổi khí hậu hiện đang được các nguồn vốn nước ngoài ưu tiên hàng đầu. Không chỉ các quỹ tạo tác động mà cả các quỹ thông thường cũng đang chịu sức ép về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Hiện đang có nguồn vốn lớn từ các tổ chức tài chính đầu tư vào lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, tài chính xanh… vào các quốc gia, trong đó có Việt Nam".
responsAbility là một công ty quản lý quỹ toàn cầu, chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi. Công ty huy động được nhiều nguồn vốn từ các đối tác định chế tài chính và chính phủ châu Âu để đầu tư vào các khu vực đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
“Trong số 100 quốc gia mà quỹ đầu tư, Việt Nam là thị trường lớn thứ hai, rất quan trọng và nhiều tiềm năng. GCPF, một quỹ về tài chính khí hậu, là công cụ điển hình và quy mô lớn nhất của quỹ responsAbility. Với nền tảng, hệ thống và sự thấu hiểu, kinh nghiệm về thị trường Việt Nam, quỹ mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với các đơn vị trong thời gian tới, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng hệ sinh thái xanh hoàn chỉnh tại Việt Nam”, ông Bùi Quang Duy nói.
Nói về vai trò của công nghệ trong các chiến lược tăng trưởng xanh cũng như triển khai tín dụng xanh, bà Hồ Nguyễn Thúy Vy chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ số là chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp tiến gần hơn đến chiến lược phát triển xanh. Khi nói đến việc thẩm định để tạo ra các khoản vay có hướng công nghệ số và hướng tới nguồn vốn cho vay xanh, chúng tôi đã tiến hành xây dựng một nền tảng cơ sở từ đầu”.
Bà Thúy Vy cũng cho biết quỹ ResponsAbility đã đưa Nam Á vào đối tác để hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và đánh giá liên quan đến môi trường, xã hội và việc áp dụng công nghệ số.
Qua trao đổi, chuyên gia Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu GGGI cho biết nguyên tắc chung của các công cụ trái phiếu/khoản vay bền vững xoay quanh 4 nội dung chính về: (a) mục tiêu sử dụng vốn phù hợp, (b) quy trình lựa chọn dự án, (c) hệ thống quản lý nguồn vốn, và (d) hệ thống theo dõi, báo cáo kết quả sử dụng vốn và báo cáo tác động.
Quỹ responsAbility hỗ trợ các đối tác bằng việc cấp vốn dài hạn và xây dựng năng lực, tư vấn triển khai các chiến lược xanh. Quỹ cũng là tổ chức sẽ đồng hành cùng các tổ chức trong quá trình phát triển xanh, hỗ trợ kỹ thuật và tín dụng xanh, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm triển khai sản phẩm.
"Trong đó, sự phát triển của công nghệ có vai trò thúc đẩy doanh nghiệp xác định được các mục tiêu sử dụng vốn hướng tới lợi ích môi trường và thực hiện các mục tiêu khí hậu. Việc ứng dụng công nghệ, ví dụ như công nghệ số, cũng có thể giúp doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động sử dụng nguồn vốn xanh, bền vững đối với các nhà đầu tư", đại diện Viện GGGI nói.
Theo ông Duy, hiện quỹ responsAbility hỗ trợ các đối tác bằng việc cấp vốn dài hạn và xây dựng năng lực, tư vấn triển khai các chiến lược xanh. Quỹ cũng là tổ chức sẽ đồng hành cùng các tổ chức trong quá trình phát triển xanh, hỗ trợ kỹ thuật và tín dụng xanh, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm triển khai sản phẩm. Bên cạnh đó, với một thị trường như Việt Nam, để triển khai tín dụng xanh thành công, cần có sự ủng hộ từ các cấp chính phủ, “chứ không chỉ dựa vào sức ép thị trường”.
Hội thảo Đối tác khí hậu toàn cầu 2024 kéo dài trong 5 ngày (13-17/5/2024) tại TP. HCM và TP. Đà Lạt. Đây là lần đầu tiên một chương trình đào tạo chuyên sâu về chủ đề thay đổi khí hậu của Quỹ Đối tác khí hậu toàn cầu (GCPF) được tổ chức tại Việt Nam.