June 17, 2024 | 15:57 GMT+7

Hành trình chinh phục AI "độc nhất vô nhị" của Apple

Sơn Trần

Thông báo đáng chú ý của Apple tại Hội nghị nhà phát triển toàn cầu (WWDC) vừa qua rằng hãng sẽ bổ sung trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm và hợp tác với OpenAI, đơn vị tạo ra ChatGPT, đặt ra nhiều câu hỏi về cách các dịch vụ AI hoạt động trên Apple…

Cửa hàng Apple Store trên Đại lộ số 5 ở Manhattan, New York.
Cửa hàng Apple Store trên Đại lộ số 5 ở Manhattan, New York.

Theo CNN Business, Apple tung ra bộ mô hình AI độc quyền và đồng thời tích hợp ChatGPT vào một số thiết bị, phần mềm. Vì vậy, không khó hiểu khi nhiều người thắc mắc về cách hoạt động của hai công nghệ này. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là cả hai công ty sẽ sử dụng thông tin cá nhân của người dùng như thế nào? 

Đối với Apple, một công ty lấy bảo mật và quyền riêng tư làm nền tảng thương hiệu thì vấn đề này càng trở nên nhạy cảm.

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA APPLE INTELLIGENCE VÀ CHATGPT

Nếu Apple có AI riêng, tại sao họ vẫn cần ChatGPT? Câu trả lời nằm ở mục đích sử dụng khác nhau ở mỗi hệ thống.

Apple Intelligence - tên thương hiệu chung cho tất cả công cụ AI của Apple - được phát triển trở thành trợ lý ảo với trọng tâm là tính cá nhân hoá. Hệ thống thu thập thông tin cụ thể về một số mối quan hệ, địa chỉ liên lạc, tin nhắn, email, sự kiện, cuộc họp trên lịch và các dữ liệu cá nhân hóa khác. 

Sau đó, Apple Intelligence sử dụng dữ liệu này hỗ trợ cuộc sống người dùng, chẳng hạn như tìm lại ảnh chụp trong buổi hòa nhạc cách đây nhiều năm, đề xuất tệp đính kèm phù hợp cho email hoặc sắp xếp thông báo trên điện thoại theo mức độ ưu tiên.

Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo của Apple có thể thiếu hụt “kiến thức thế giới” - những thông tin tổng hợp về lịch sử và các chủ đề không liên quan trực tiếp đến bạn. Đây là lúc ChatGPT phát huy tác dụng. Người dùng có thể yêu cầu Siri chuyển tiếp câu hỏi và lời nhắc đến ChatGPT theo cơ sở lựa chọn hoặc để ChatGPT hỗ trợ viết tài liệu trong ứng dụng của Apple. 

Gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ cho biết họ có kế hoạch tích hợp mô hình AI của bên thứ ba khác trong tương lai. Về cơ bản, sự tích hợp này giúp người dùng Apple dễ dàng tiếp cận ChatGPT hơn.

ĐIỀU NÀY CÓ Ý NGHĨA GÌ ĐỐI VỚI DỮ LIỆU NGƯỜI DÙNG?

Apple Intelligence và ChatGPT được sử dụng cho các mục đích khác nhau, nên số lượng và loại thông tin người dùng gửi cho mỗi AI cũng khác nhau.

Apple Intelligence có quyền truy cập vào nhiều loại dữ liệu cá nhân người dùng, từ nội dung tin nhắn cho đến ảnh, video và lịch sự kiện. Dường như không có cách nào ngăn Apple Intelligence truy cập thông tin, trừ khi không sử dụng.

Còn ChatGPT sẽ không tự động có quyền truy cập vào dữ liệu riêng tư, mặc dù người dùng có thể chọn chia sẻ một số dữ liệu với OpenAI nếu quyết định sử dụng ChatGPT thông qua Apple. Trong bản demo vừa qua, Siri yêu cầu người dùng cho phép gửi lời nhắc đến ChatGPT trước khi thực hiện tác vụ.

Theo thỏa thuận với Apple, OpenAI cam kết không lưu trữ bất kỳ thông tin nào từ người dùng Apple hoặc thu thập địa chỉ IP, tuy nhiên điều này không áp dụng nếu người dùng chủ động đăng nhập và kết nối tài khoản ChatGPT hiện có. Một số người dùng có thể chọn làm điều đó để tận dụng lịch sử ChatGPT hoặc sử dụng lợi ích liên quan đến gói tài khoản trả phí.

CÓ NÊN TIN TƯỞNG APPLE KHI GIAO QUYỀN TRUY CẬP DỮ LIỆU

Apple phát triển cách thức mới trong vận hành điện toán đám mây, giúp công ty chạy tính toán trên dữ liệu riêng tư.
Apple phát triển cách thức mới trong vận hành điện toán đám mây, giúp công ty chạy tính toán trên dữ liệu riêng tư.

OpenAI không lưu dữ liệu người dùng, còn Apple thì sao?

Trong khi người dùng Apple phải gửi thông tin cá nhân và yêu cầu đến OpenAI nếu muốn sử dụng ChatGPT, thì hầu hết Apple Intelligence sẽ không gửi dữ liệu người dùng đến bất cứ đâu. Trong khả năng có thể, Apple cố gắng xử lý các yêu cầu AI trực tiếp trên thiết bị bằng mô hình AI nhỏ hơn.

Điều này tương tự như cách Apple xử lý FaceID và một số dữ liệu nhạy cảm khác ngay trên thiết bị nhằm hạn chế rủi ro. Dữ liệu người dùng sẽ không thể bị chặn hoặc tấn công từ một máy chủ trung tâm nếu không được gửi đi bất cứ đâu.

Trong trường hợp hệ thống cần thêm sức mạnh xử lý, Apple Intelligence sẽ gửi truy vấn và dữ liệu đến nền tảng điện toán đám mây do Apple kiểm soát, nơi có mô hình AI mạnh mẽ hơn thực hiện yêu cầu.

Đây là nơi Apple tuyên bố có bước đột phá lớn về quyền riêng tư. Thông báo được trình bày ít phút trong sự kiện WWDC và rõ ràng Apple rất tự hào về sự tiến bộ này.

Apple đã phát triển cách thức mới trong vận hành điện toán đám mây, giúp công ty chạy các tính toán trên dữ liệu nhạy cảm đồng thời đảm bảo không một ai, kể cả chính công ty, có thể biết dữ liệu nào đang được xử lý. Private Cloud Compute (hay còn gọi là Điện toán Đám mây Riêng tư), kiến ​​trúc mới của Apple mượn một số khái niệm từ phần cứng và bảo mật trên iPhone, bao gồm cả vùng an toàn bảo vệ dữ liệu người dùng nhạy cảm trên thiết bị di động Apple.

Với Private Cloud Compute, "Apple không thể lưu trữ hay truy cập dữ liệu người dùng", ông Craig Federighi, Phó Chủ tịch cấp cao về kỹ thuật phần mềm Apple, khẳng định trong bài phát biểu tại WWDC. Sau khi thực hiện yêu cầu AI từ người dùng, Private Cloud Compute sẽ tự xóa dữ liệu.

Apple tuyên bố Private Cloud Compute luôn đảm bảo bởi công ty kiểm soát chặt chẽ toàn bộ hệ sinh thái công nghệ, từ chip máy tính chuyên dụng cho đến phần mềm thiết bị.

Nếu đúng là Apple không thể nhìn thấy dữ liệu cá nhân như một số mô hình AI lớn hiện nay xử lý, Apple tuyên bố sẵn sàng mời giới nghiên cứu tự kiểm tra, thì đây là sự khác biệt của Apple so với đối thủ.

DỮ LIỆU ĐÀO TẠO CỦA APPLE

Tất nhiên, các mô hình AI của Apple không tự nhiên mà có. Chúng cũng cần được đào tạo giống như mô hình của công ty khác. Điều này đặt ra câu hỏi về việc Apple sử dụng dữ liệu của ai và bằng cách nào.

Trong bộ tài liệu kỹ thuật mới công bố, Apple cho biết mô hình của họ được đào tạo "trên dữ liệu ‘hợp pháp', bao gồm dữ liệu được chọn để cải thiện tính năng cụ thể".

"Chúng tôi không bao giờ sử dụng dữ liệu cá nhân riêng tư hoặc tương tác từ người dùng để đào tạo mô hình nền tảng", Apple cho biết. "Chúng tôi áp dụng bộ lọc để xóa thông tin nhận dạng như số định danh công dân và thẻ tín dụng có sẵn công khai trên Internet".

Tuy nhiên, Apple thừa nhận đã thu thập dữ liệu trên internet công cộng để đào tạo các mô hình độc quyền, khiến chúng có phần giống với một số công ty AI khác. Trong đó, nhiều công ty đang phải đối mặt với cáo buộc bản quyền, châm ngòi cho vô số cuộc tranh luận về việc liệu startup AI có thu lợi không công bằng so với công sức con người hay không. 

Apple chưa tiết lộ họ thu thập thông tin từ web nào. "Táo Khuyết" chỉ cho biết rằng các nhà xuất bản có thể thêm mã vào trang web để ngăn chặn trình thu thập dữ liệu web của Apple. Thế nhưng điều này đặt gánh nặng lên vai các nhà xuất bản khi muốn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate