Bắt nguồn từ ý tưởng ban đầu về “Con đường di sản” của ông Paul Stoll – một chuyên gia du lịch người Đức, Dự án “Con đường di sản miền Trung” được Tổng cục Du lịch Việt Nam xây dựng hoàn chỉnh và phát động đã tạo ra một mạng lưới rộng khắp, góp phần xây dựng một thương hiệu riêng của du lịch Việt Nam với tên gọi là Hành trình di sản miền Trung.
DÀY ĐẶC DI SẢN, ĐẬM ĐẶC VĂN HÓA
Trên khắp đất nước Việt Nam, hiếm nơi nào có mật độ di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được Unesco công nhận dày đặc tạo thành vệt trải dọc qua 3 tỉnh kề nhau như khu vực này. Chuỗi di sản văn hóa đặc sắc này bắt đầu từ Cố đô Huế với hai di sản là Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế, tiếp đó tới Quảng Nam với hai di sản là Thánh địa Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An.
Là vùng lõi của hành trình, ba di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh Địa mỹ Sơn là sự giao thoa giữa các vùng miền, các nền văn hóa Việt – Chăm – Nhật – Trung với cảnh sắc thiên nhiên đa dạng cộng với hệ thống các di tích lịch sử dày đặc đã mang đến hành trình thú vị cho du khách khi khám phá Hành trình di sản miền Trung.
Điểm đến đầu tiên của Hành trình đó là Cố Đô Huế trầm mặc bên dòng sông Hương với những nét quyến rũ riêng. Vẻ đẹp uy nghi, cổ kính của quần thể di tích Cố Đô Huế hòa quyện với sự tinh tế trong từng lời ca, tiếng phách, điệu sênh của Nhã nhạc cung đình Huế, sự duyên dáng của cầu Tràng Tiền bắc qua dòng sông Hương thơ mộng; sự mặn mà, thướt tha của những cô thiếu nữ trong tà áo dài màu tím, những ngôi nhà cổ, những làng cổ… .
Những Lễ hội truyền thống mang đặc trưng văn hóa xứ Đàng Trong giai đoạn triều Nguyễn, các món ăn cung đình, trang phục, nếp sống, kiến trúc nhà cửa, đình chùa lăng tẩm sang trọng, tinh tế. Tất cả mang đến cho Huế một giá trị văn hóa độc đáo, một không gian riêng mà không dễ nơi đâu có được.
Là con đường trải dọc theo bờ biển và mở rộng theo tuyến hành lang Đông – Tây Nằm, Đà Nẵng là nơi đón tiếp, phục vụ trung chuyển khách, là nơi giao thoa giữa các vùng, miền văn hóa – di sản từ Quảng Bình, Thừa thiên – Huế với các di sản, danh thắng của Quảng Nam.
Bên cạnh vị trí đắc địa ấy, Đà Nẵng còn biết đến như là một địa điểm du lịch số 1 của mảnh đất miền Trung. Đà Nẵng có đèo Hải Vân cheo leo, hiểm trở được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, có biển Mỹ Khê, bán đảo Sơn Trà… để du khách thỏa sức chìm đắm trong vẻ huy hoàng của một vùng sơn thủy hữu tình. Đà Nẵng còn có khu du lịch sinh thái Bà Nà Hill – Suối Mơ được nhiều người ví như là Đà Lạt, Sa Pa của miền trung, có Ngũ Hành Sơn là huyền thoại “Nam thiên danh thắng”…
Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam là ba điểm nhấn chính của Con đường Di sản miền Trung. Trên mỗi bước đi ở vùng đất này, bạn sẽ luôn bắt gặp những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, cổ kính nhưng không kém phần rực rỡ. Để rồi dấu ấn sâu đậm nhất chính là sự chân thật, lòng hiếu khách của người dân bản địa – những người đã sáng tạo và gìn giữ các di sản; góp phần đưa hình ảnh Việt Nam tới đông đảo bạn bè trên thế giới bằng những sản phẩm truyền thống như nón Huế, đèn lồng Phố Hội…, bằng nhiều món ăn ngon đã đạt đến trình độ nghệ thuật như Cao Lầu, Mỳ Quảng, Bê thui cầu Mống….
"Với 1 khu vực dày đặc di sản như vậy, tôi thấy rằng tiềm năng du lịch của Bắc miền Trung là rất lớn. Tôi cho rằng ý tưởng kết nối các di sản để hình thành sản phẩm Hành trình Di sản miền Trung đó là ý tưởng tuyệt vời. Và càng ngày ý tưởng này càng được bồi đắp mở rộng, định vị tốt, rõ nét hơn", cách đây 8 năm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã nhận định như vậy về Hành trình Di sản miền Trung.
Trước đây, Hành trình Di sản miền Trung từng là sản phẩm “hot” nhất các tour về di sản và văn hóa, là sản phẩm không thể thiếu trong danh sách tour tuyến của tất cả các công ty du lịch. Với nhiều khách du lịch phương Tây, đặc biệt là châu Âu, chưa tới Hội An coi như chưa tới Việt Nam. Đáng chú ý, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường khách “mua” sản phẩm này nhiều nhất.
TỪ THÀNH NHÀ HỒ TỚI PHỐ CỔ HỘI AN
Khởi đầu, Con đường di sản này được hình thành nhằm mục tiêu kết nối các di sản thế giới tại Trung Bộ tại 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Thời điểm bắt đầu khai thác, Hành trình Di sản miền Trung chỉ tập trung trong 3 tỉnh Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam, sản phẩm du lịch, tuyến điểm còn sơ sài và hạn chế.
Sau 11 năm khai thác, đến nay Hành trình không chỉ gói gọn trong 3 địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam – Huế, mà đã mở rộng ra Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa đồng thời được bổ sung thêm nhiều tuyến điểm sản phẩm dịch vụ phong phú, đa dạng, đắng cấp hơn như Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng với Sơn Đòong là hang ngầm lớn nhất thế giới, Di tích Thành nhà Hồ đều được Unesco công nhận. Nhiều khách sạn, resort cao cấp 5 sao được xây dựng tại các khu nghỉ dưỡng ven biển đạt đẳng cấp thế giới như Hồ Tràm Beach Resort, Intercontineltal Đà Nẵng… mang đến cho du khách nhiều sự lựa chọn phong phú hơn.
Không chỉ có các di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, Hành trình Di sản miền Trung gần đây được bổ sung thêm các điểm tham quan mới, nổi tiếng và khách có nhu cầu nhiều như nghĩa trang Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Khu du lịch Bà Nà, động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng, sông Chày - hang Tối và mới nhất là rừng dừa 7 mẫu, Cù lao Chàm, Thánh địa La Vang, Đan Viện Thiên An - Làng Hương Thủy Xuân - Đại Nội - Điện Kiến Trung - Đầm Lập An Lăng Cô, Đầm Lập An … Đây cũng là những điểm tham quan rất đông khách du lịch trong nước lựa chọn.
Với một hành trình di sản khác biệt, đa dạng và nổi bật khi kết nối từ thành nhà Hồ Thanh Hóa tới Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đến Huế, Phố cổ Hội An (Quảng Nam) và Đà Nẵng, du khách có những trải nghiệm rất phong phú về giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc tới nghỉ dưỡng, khám phá. Một hành trình với nhiều trải nghiệm như vậy không phải khu vực nào cũng có.
Đặc biệt, Con đường di sản miền Trung đã nhận được những lời khen ngợi, đánh giá cao của các tổ chức quốc tế, các trang mạng, tờ báo lớn về những điểm đến gắn với di sản. Đặc biệt là Hội An và Sơn Đoòng là 2 điểm đến đặc sắc, nổi bật nhất của Hành trình Di sản miền Trung và được du khách quốc tế rất ưa chuộng.
Với Hành trình di sản miền Trung, chuyến đi của du khách sẽ trọn vẹn cảm xúc hơn khi chọn di chuyển bằng tàu hỏa trên cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam. Đi qua đèo, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều đoạn đường uốn lượn quanh co, bên trên là núi, phía dưới là bờ biển trong xanh, tạo nên khung cảnh hùng vĩ của núi non, cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho dải đất này.